Agribank thúc đẩy tín dụng xanh
Agribank dành nguồn lực lớn xây dựng nông thôn mới Tiếp sức cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển |
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, việc phát triển hoạt động xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Để triển khai tăng trưởng xanh cần có bộ tiêu chí phân loại. Đây là nền tảng quan trọng để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế.
Agribank nỗ lực góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường |
Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã tích hợp phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Ngân hàng hiện có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên điều này rất quan trọng. Hiện Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia trong nông nghiệp-nông thôn. Đây cũng là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.
Để thực hiện quá trình phát triển xanh, Agribank luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Điểm giao dịch lưu động là một trong các sáng kiến mới của Agribank đã được NHNN phê duyệt, góp phần mang nguồn vốn tới các vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng đã xây dựng bộ chính sách ESG - chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…; xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.
Bà Từ Thị Kim Thanh - thành viên HĐTV Agribank Hiện nay, việc triển khai tín dụng xanh của Agribank nói riêng và các NHTM nói chung còn gặp một số khó khăn như việc các quy định, định nghĩa về ngành, lĩnh vực xanh, dự án xanh chưa đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong việc lựa chọn, đánh giá, giám sát trong quá trình cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí đánh giá và danh mục dự án xanh chưa đầy đủ, cụ thể để có thể huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ tín dụng xanh. Do đó có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội nhận các khoản đầu tư. Thêm vào đó, các NHTM cũng gặp khó trong việc xây dựng các chính sách, các sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trước những khó khăn đó, Agribank mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành bộ tiêu chí về môi trường và việc xác nhận các dự án đủ điều kiện về môi trường để các NHTM có đủ cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án có đáp ứng điều kiện tín dụng hay không. Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đối với các dự án, các ngành, các lĩnh vực đã đáp ứng được các điều kiện về tín dụng xanh, hỗ trợ các NHTM trong việc tiếp cận nhiều hơn quỹ tài chính, các gói tài trợ cho tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế. |
Agribank đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc nhằm xây dựng Đề án triển khai ESG toàn diện trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này cho thấy quyết tâm của ngân hàng trong việc triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả việc áp dụng ESG trong toàn hệ thống Agribank.
Trong nhiều năm qua, Agribank cũng luôn tích cực tham gia nhiều dự án về bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên… Đồng thời, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 với lãi suất ưu đãi từ 0,5-1,5%/năm.
Giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng lên đến 350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi, tốc độ tăng trưởng có phần giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022, số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 43.000 khách hàng. Đặc biệt, ngân hàng thúc đẩy mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.
Hướng tới “xanh hóa” hoạt động ngân hàng, Agribank tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, chủ động áp dụng các giải pháp của cuộc CMCN 4.0 để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, từng bước số hóa hoạt động ngân hàng. Đến nay, Agribank cung cấp trên 220 sản phẩm dịch vụ ngân hàng với nhiều tiện ích vượt trội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần “xanh hóa” ngành Ngân hàng thông qua xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65-70% tổng dư nợ; Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank.
Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.