Ngành bảo hiểm Việt Nam: Đẩy mạnh số hóa tạo lợi thế cạnh tranh
Quy định về bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng | |
BIC ghi dấu ấn ở nhiều mặt hoạt động |
Nhu cầu tham gia bảo hiểm tăng mạnh
Trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã phát huy được thế mạnh duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, hầu hết đều phát triển số hóa thay đổi cách thức tiếp cận và phục vụ khách hàng thông qua các dịch vụ trực tuyến. Theo thống kê, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, nhu cầu bảo hiểm trong những năm gần đây luôn có đà tăng trưởng cao. Ghi nhận trong năm 2021, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số. Trong đó tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt gần 152,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,34% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 215 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020. Với tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Đơn cử như Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đưa ra kế hoạch phát triển năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 10 - 12% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 250 tỷ đồng, cổ tức 12%. Hay Bảo hiểm PVI cũng đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng bền vững với việc tăng cường tính hiệu quả doanh thu tăng ở mức hai con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây…
Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng và phong phú |
Khảo sát mới nhất từ Tập đoàn Manulife về nhu cầu bảo hiểm của người dân cho thấy, sau hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân Việt Nam tăng mạnh. Đáng chú ý, 91% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mua bảo hiểm trong 12 tháng tới, trong đó nhân thọ (55%), sức khỏe (45%) và tai nạn (41%) đứng đầu danh sách.
Ông Sang Lee, Giám đốc Điều hành Manulife Việt Nam cho biết, điều đáng chú ý là 86% người dân Việt Nam được khảo sát cho biết họ nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm, cao hơn mức trung bình trong khu vực (69%). Cuộc khảo sát cũng cho thấy một phần ba (34%) số người được hỏi coi bảo hiểm là một phương tiện để giảm thiểu tác động tài chính liên quan đến Covid-19. Khi mua bảo hiểm, phần lớn người Việt Nam (84%) cũng tìm kiếm những sản phẩm bảo hiểm đơn giản có thể mua trực tuyến.
Đẩy mạnh số hóa
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đã không ngừng đổi mới, thích nghi với tình hình mới để phục vụ khách hàng, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Trong đó việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi số và đẩy mạnh các công cụ trực tuyến là thế mạnh giúp doanh nghiệp ngành bảo hiểm giữ vững được đà tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch đầy thách thức này.
Manulife Việt Nam là một trong các doanh nghiệp liên tục có sự đổi mới bằng các giải pháp bảo hiểm trực tuyến đáp ứng nhu cầu được bảo vệ từ xa cho khách hàng. Theo bà Marilyn Wang, Giám đốc Khối tiếp thị và Truyền thông Manulife Việt Nam, trong thời đại lối sống và thói quen số hóa đang gia tăng, việc mang đến cho khách hàng một lựa chọn để kết nối với công ty bảo hiểm và quản lý các hợp đồng của họ đã trở nên vô cùng quan trọng. Manulife Việt Nam luôn không ngừng cải thiện để mang đến cho khách hàng hình thức quản lý hợp đồng trực tuyến mọi lúc mọi nơi nhằm góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng. Đặc biệt, trong xu thế nhu cầu về các dịch vụ trực tuyến tăng cao, Manulife Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chiến lược triển khai các giải pháp số hóa bằng việc ra mắt một phiên bản mới của trang thông tin khách hàng, nhằm mang lại một nền tảng thuận tiện và đơn giản giúp cho hơn 1 triệu khách hàng có thể tự quản lý tài khoản bảo hiểm của họ một cách dễ dàng. Theo thống kê từ Manulife Việt Nam, 95% yêu cầu bồi thường bảo hiểm được nộp qua cổng eClaims và khoảng 95% yêu cầu bồi thường của khách hàng được thanh toán trực tuyến…
Tương tự, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng không ngừng ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ông Đinh Như Tuynh, thành viên HĐQT - Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban điều hành MIC cho biết, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, MIC đã vươn lên mạnh mẽ duy trì Top 5 về thị phần trong nhóm doanh nghiệp đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trước những tác động của đại dịch Covid, MIC đã chủ động trong chiến lược “tiên phong công nghệ - nâng tầm vị thế” khi cho ra mắt ứng dụng bảo hiểm số siêu tốc và công nghệ bồi thường online không giám định viên mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu bảo vệ của khách hàng và phù hợp với tình hình thị trường. MIC đã có sự đầu tư đúng hướng, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ. Đó là việc MIC đã tiên phong công nghệ ấn chỉ điện tử; đưa vào áp dụng ứng dụng mua bảo hiểm trực tuyến và đại lý bảo hiểm số; áp dụng công nghệ bồi thường siêu tốc (không cần giám định viên, không giấy tờ phức tạp, không cần chờ đợi, bồi thường từ xa tích hợp AI, ORC)…
Chính những đổi mới kịp thời đã giúp cho kết quả kinh doanh của MIC đạt kết quả tốt. Trong năm 2021 ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Tốc độ tăng trưởng của MIC nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của thị trường. Lợi nhuận đạt 281 tỷ đồng, tăng trưởng 16%, tăng trưởng gấp 5 lần so với thị trường. Trong năm 2022, MIC tiếp tục đạt mục tiêu cao, đó là lọt vào TOP 4 thị phần với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 40% và là TOP 1 hiệu quả trong ngành, ông Đinh Như Tuynh cho biết thêm.
Có thể thấy, thị trường bảo hiểm trong năm 2022 tiếp tục được các chuyên gia dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao. Theo dự báo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tổng tài sản thị trường bảo hiểm năm 2022 ước đạt gần 809 nghìn tỷ đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 ước đạt trên 253,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,04% so với năm 2021. Trong cuộc cạnh tranh thị phần này, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp bảo hiểm khẳng định được vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh.