Ngành chăn nuôi lợn: Cần sản xuất theo tín hiệu thị trường
Giá heo tăng, chưa phải tín hiệu vui | |
Sóng gió với giá lợn |
Là hộ chăn nuôi lợn có thâm niên 10 năm, anh Lê Huy Mạnh – đội 12, xã Ngọc Lũ chia sẻ, giá bắt đầu giảm từ tháng 9/2016 từ 56.000 đồng/kg lợn hơi, xuống 47.000 đồng/kg, đến tháng 2/2017, giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc, xuống 22.000 đồng/kg và xuống 15.000 đồng/kg vào tháng 3/2017. Bản thân những người chăn nuôi lợn như anh cảm thấy sững sờ, điêu đứng. Bởi với giá bán như vậy, mỗi con lợn gia đình anh thua lỗ 3 - 4 triệu đồng.
Muốn kiểm soát được số lượng và chất lượng thịt lợn phải tạo ra chuỗi an toàn thực phẩm |
Từ hơn 1.000 con lợn, hiện trong chuồng trại của anh Mạnh chỉ còn khoảng 400 con. Trước đây, trại lợn phải thuê thêm người làm, thức ăn chăn nuôi lúc nào cũng chất đầy kho, thì nay, vợ anh phải xoay ra bán hàng ngoài chợ để kiếm đồng ra đồng vào sinh hoạt gia đình. Một mình anh phải gồng lưng cáng đáng hết công việc tại trại lợn. Cơn bão lợn đi qua, gia đình anh Mạnh lỗ khoảng 1,7 - 1,8 tỷ đồng.
Theo đại diện UBND xã Ngọc Lũ, trên địa bàn xã có khoảng 80% hộ dân chăn nuôi lợn. Chỉ tính riêng khu giáp Trại Cau, có thời điểm nuôi tới 10.000 con lợn/lứa. Và trong đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua, dân Ngọc Lũ nhà nào cũng thua lỗ, hộ ít cũng vài trăm triệu, hộ nhiều thì vài tỷ đồng. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn trên cả nước.
Chia sẻ tại Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn” diễn ra ngày 29/8, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sau 3 tháng triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi do Bộ NN&PTNT phát động đã có những kết quả tích cực.
Cụ thể, giảm 500 nghìn lợn nái, chiếm 20% tổng đàn lợn nái của cả nước; hàng trăm nghìn tấn thịt lợn được tiêu thụ. Sau 3 tháng triển khai giá lợn hơi đã tăng lên từ 5.000 – 7.000 đồng/kg, với mức tăng này giúp người chăn nuôi lợn giảm thua lỗ từ 1,5 nghìn tỷ đồng đến 2 nghìn tỷ đồng/tháng… Mặc dù là giải pháp tình thế nhưng việc “giải cứu” thời điểm đầu tháng 5 vừa qua đã giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”.
Chia sẻ về diễn biến thị trường lợn hơi thời gian vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thời gian trước quý III/2016, giá lợn hơi trong nước có chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc. Trong khi giá lợn hơi của Thái Lan biến động và không chịu chi phối của thị trường Trung Quốc. Từ quý IV/2016, giá lợn hơi trong nước giảm thấp và giảm sâu vào quý I-II/2017. Đây là mức giảm giá bất thường và cá biệt so với thị trường thịt lợn trong khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta phải làm thế nào để việc “giải cứu thịt lợn” không xảy ra trong tương lai. Như hiện nay, có quá nhiều thành phần tham gia vào việc cung cấp thịt lợn. Muốn kiểm soát được số lượng và chất lượng thịt lợn phải tạo ra chuỗi an toàn thực phẩm. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra chuỗi thịt lợn, mỗi người chăn nuôi lợn muốn tham gia vào chuỗi phải được ngành nông nghiệp công nhận an toàn dịch bệnh. Họ sẽ được cấp mã định danh.
Hiện mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó 75% đã có truy suất nguồn gốc. TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ quy hoạch lại hệ thống giết mổ. Tới 2018 – 2019 sẽ quy hoạch hệ thống giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ việc quy hoạch này sẽ giúp người chăn nuôi biết được tín hiệu thị trường, người tiêu dùng cũng biết được nguồn gốc của thịt lợn. Chỉ có như vậy mới không lặp lại tình trạng phải giải cứu thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận dạng lại ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh mới, đặc biệt về sức sản xuất, nhu cầu và khả năng tổ chức thị trường. Đồng thời, cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo hai hướng: một là nhánh đi theo hướng công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đảm bảo điều kiện nuôi tốt về chuồng trại, con giống; và một nhánh đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản. Trong đó, việc chăn nuôi lợn cần đảm bảo phát triển bền vững về cả kinh tế, môi trường và an sinh cho các hộ chăn nuôi lợn.