Ngành chế biến, đóng gói thực phẩm có “cửa sáng”
Theo tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực bao bì đóng gói tại Việt Nam ở mức 15% - 20%/năm trong nhiều năm qua. Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân, lượng khách du lịch tăng nhanh, lên đến 15 triệu - 18 triệu lượt khách/năm 2019. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp cả nước, kéo theo ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều nhà nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao bì trong nước phát triển mạnh mẽ và mở ra nhiều tiềm năng trong tương lai.
Sau khi dịch bệnh tạm lắng, nhu cầu về bao bì trên hầu hết thị trường trong và ngoài nước đều tăng nhanh |
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thống kê, hiện nay thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt, đến 35% mức chi tiêu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của người Việt ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng gia tăng. Sản phẩm thực phẩm, đồ uống chế biến công nghiệp ngày càng phong phú, số lượng tăng theo cấp số nhân, đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy lớn cho doanh nghiệp ngành chế biến, đóng gói bao bì không ngừng đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, đầu tư về thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, các nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong 17 nước trong nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới, với quy mô thị trường hiện khoảng 5,1 tỷ USD và sẽ là một trong 3 nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng ngành dược tốt trong thời gian tới, với mức tăng trung bình 10%/năm. Bên cạnh đó, ngành hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tất cả đều đòi hỏi việc đóng gói bao bì phải hiện đại, tiện dụng và thân thiện môi trường.
Chính sự phát triển mạnh mẽ này của ngành công nghiệp chế biến, đóng gói bao bì đã khiế́n nhiều nhà sản xuất máy móc, thiết bị, sản phẩm… sản xuất bao bì đầu tư xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể như Tetra Park (một trong những DN sản xuất bao bì lớn nhất thế giới) đã xây dựng nhà máy tại tỉnh Bình Dương với công suất lên tới 20 tỷ hộp giấy/năm. Còn trước đó, sản phẩm của Tetra Pak được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ nhà máy ở Singapore và Ấn Độ.
Bà Lương Thị Thúy Ngân, Tổng thư ký Hiệp hội Bao bì Việt Nam nhận định, đối với DN sản xuất thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay (kể cả DNNVV) đều đã ý thức được tầm quan trọng của bao bì trong việc tiếp cận khách hàng. Nhiều DN lớn, có vốn mạnh đã không ngại đầu tư bằng cách nhập máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến và bao gói thực phẩm như Vinamilk, Visan, Sài gòn Food, NutiFood, PAN food… Các DN này không chỉ quan tâm đến khâu thiết kế, nguồn nguyên liệu chất lượng để cho ra sản phẩm tốt nhất, mà còn yêu cầu cao về các trang thiết bị, công nghệ để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng là có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì đóng gói, rồi kiểm tra thông tin, chất lượng, quy trình sản xuất…
Bà Lương Thị Thúy Ngân cho hay, sau khi dịch bệnh tạm lắng, nhu cầu về bao bì trên hầu hết thị trường trong và ngoài nước đều tăng nhanh, do tăng nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm chế biến, đóng gói. Hầu hết các ngành hàng lương thực thực phẩm, từ gạo, đường đậu đến thủy hải sản, thịt (đông lạnh, khô và đóng hộp), nước giải khát… đều có nhu cầu rất cao về bao gói sản phẩm. Đây là cơ hội để DN ngành chế biến và đóng gói bao bì phát triển mạnh. Tuy nhiên sự thiếu hụt nguyên liệu sau dịch bệnh cũng là một khó khăn, khiến DN ngành bao bì phải chuẩn bị kịp thời. Nhiều DN hiện chủ động tìm và đa dạng hóa nguồn cung ứng vật tư, từ các thị trường thay thế thị trường Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á… để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất.