Ngành gốm sứ mỹ nghệ: Nỗ lực mở rộng thị trường
Trong những tháng đầu năm 2023, ngành gốm sứ mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu khi kim ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ. Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, bối cảnh quốc tế đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng của Việt Nam. Hiện các thị trường xuất khẩu chính của ngành gốm sứ mỹ nghệ như Hoa Kỳ, EU tiếp tục giảm nhu cầu do những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 14,04 triệu USD, giảm 35% so với tháng 12/2022, giảm 58% so với tháng 1/2022. Trong tháng 2/2023, kim ngạnh xuất khẩu vẫn tiếp tục sụt giảm ở các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong đó, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ và EU trong 2 tháng đầu năm giảm tới trên 50% so với cùng kỳ.
Minh Long 1 tham gia triển lãm tại Hội chợ Ambiente Frankfurt (Ambiente) |
Hiện nay, ngoài việc cạnh tranh trong nước, thì việc xuất khẩu mặt hàng này của các DN Việt cũng đang chịu sức ép mạnh mẽ từ các nước Trung Quốc, Thái Lan… Như vậy, đòi hỏi cấp thiết là phải biết “làm mới mình” bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Trước mắt, các DN gốm sứ cần phải tích cực tìm kiếm mở rộng nhiều thị trường mới, đặc biệt là tận dụng thị trường các nước tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Để làm được điều đó, đòi hỏi các DN không chỉ phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn phải tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để kết nối với khách hàng.
Trên thực tế, các FTA mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đang tạo ra những cơ hội rất tốt cho hoạt động xuất khẩu nói chung, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng. Đơn cử như EVFTA sau hơn 2 năm thực thi đã giúp nhiều DN xuất khẩu gốm sứ thâm nhập và mở rộng thị trường tại các nước EU. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan) trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho EU.
Ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐTV Công ty Minh Long I cho rằng, trong tình hình thế giới luôn có nhiều biến động, nhất là sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường, đòi hỏi DN luôn phải đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh.
Hiện nay, Minh Long được biết đến là thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam với hệ thống showroom, nhà phân phối, đại lý… có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, trở thành một trong những nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng thế giới và sản phẩm gốm sứ Minh Long đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia và được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật…
Theo ông Lý Ngọc Minh, hiện thị trường các nước đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, do đó, để hàng gốm sứ mỹ nghệ thâm nhập vào các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm… Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm lớn trên thế giới để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường.
Mới đây, Minh Long I đã tham gia triển lãm gian hàng giới thiệu các sản phẩm gốm sứ tại Ambiente Frankfurt (Ambiente) - Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng tiêu dùng, gia dụng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất, văn phòng phẩm. Đây là một trong những hội chợ có quy mô lớn nhất Châu Âu, và cũng là sự kiện mang lại nhiều hiệu quả trong ngành gia dụng, thủ công mỹ nghệ…
Triển lãm là cơ hội vàng để Minh Long I giới thiệu, quảng bá những sản phẩm gốm sứ chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Đồng thời, cũng là thời điểm thích hợp để một thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam vừa giữ vững kết nối với những khách hàng truyền thống, vừa tiếp cận với các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng ở thị trường châu Âu. Qua đó, còn có thể tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh, nhà phân phối hàng hóa tại Đức.
Theo các chuyên gia, để hàng gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập hơn nữa vào những thị trường thế giới, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, đòi các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành… Từ nay đến cuối năm 2023, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, DN cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chilê…