Ngành Ngân hàng Bình Định: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Bình Định phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2023 tối thiểu 7% Bình Định: Lập đường dây nóng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Bình Định: GRDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng gần 6,5% |
Trong 6 đầu năm nay, dù đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP, song nền kinh tế của tỉnh Bình Định vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tổng sản phẩm địa phương tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 9/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như, sản xuất gỗ, may mặc, thủy sản… gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm, giảm nguồn thu ngân sách; Chỉ số phát triển công nghiệp, xây dựng tăng trưởng không như kỳ vọng...
Đứng trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ theo từng nhóm, lĩnh vực để các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; UBND tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.
Bình Định xác định, “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu, quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Dòng vốn tín dụng đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên ở Bình Định. |
Để hỗ trợ nền kinh tế địa phương, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đã nỗ lực vào cuộc. Trong đó, tập trung hướng dòng vốn “chảy” vào những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, thời gian qua các TCTD trên địa bàn đã tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, các NHTM trên địa bàn đã tăng hạn mức tín dụng, tích cực cung ứng vốn cho thị trường, thực hiện nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/6/2023 đạt 99.420 tỷ đồng, tăng 3,56% so với 31/12/2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: 44.120 tỷ đồng, tăng 4,76% so với đầu năm; Dư nợ cho vay xuất khẩu: 5.710 tỷ đồng, tăng 8,45%; Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: 21.620 tỷ đồng, tăng 7,78%; Dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ: 88 tỷ đồng, tăng 10%…
Đặc biệt, NHNN chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nưóc đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, của NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng của các TCTD trên địa bàn đã đạt dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất đến 30/4/2023 là 74,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2023. Theo đó, các TCTD trên địa bàn chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân; chủ động tiếp cận khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để tham gia chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2023. Đến nay, có 20 NHTM, 48 doanh nghiệp đã tham gia chương trình với tổng số tiền cam kết cho vay là 2.617 tỷ đồng...
Ngành gỗ - thế mạnh của các doanh nghiệp Bình Định hiện đang gặp nhiều khó khăn. |
Tuy nhiên hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Bình Định vẫn còn gặp khó khăn, không phải do nguồn vốn mà từ thị trường. Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), từ cuối năm 2022 đến nay nhiều doanh nghiệp thành viên của FPA Bình Định không có đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, theo bà Cao Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, hàng tồn kho còn nhiều, phần lớn doanh thu của doanh nghiệp thủy sản đều bị giảm.
Trong lúc khó khăn, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ ngân hàng thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và giảm các khoản phí giao dịch tín dụng…
Tiếp tục đồng hành cùng với nền kinh tế địa phương, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Trà Dương cho rằng, thời gian tới ngành Ngân hàng Bình Định tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; Tiếp tục triển khai liên tục, đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho vay... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.