Ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt
Quyết tâm hỗ trợ các động lực tăng trưởng, GRDP quý II của Vĩnh Phúc tăng 3,76% |
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, gia tăng dịch vụ số, nâng cao giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng trên địa bàn tỉnh qua các năm.
Việc áp dụng công nghệ mới giúp hệ thống thanh toán đện tử liên ngân hàng vận hành ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao dịch, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt.
Để phòng chống rủi ro, ngăn chặn vi phạm trong các giao dịch điện tử, NHNN chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng hoạt động thông suốt, an toàn trước rủi ro xâm nhập. Mặt khác, ngành Ngân hàng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro khi giao dịch trên môi trường điện tử.
Đồng thời, mở rộng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ, thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, hướng tới ứng dụng các tính năng trên thẻ căn cước công dân gắn chip, từ đó ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Với mục tiêu xây dựng ngân hàng số, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh cùng các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và gia tăng dịch vụ thanh toán mới theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; ứng dụng các công nghệ số phát triển như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình, sử dụng trí tuệ nhân tạo… để tối ưu, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.
Đơn cử từ năm 2020 đến nay, Agribank Vĩnh Phúc đã lắp đặt 5 máy Autobank CDM (cây ATM đa chức năng thế hệ mới) tại các điểm giao dịch chính trên toàn hệ thống gồm các huyện, thành phố Vĩnh Yên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Sông Lô và Lập Thạch, thu hút đông khách hàng đến giao dịch, nhất là vào ngày nghỉ khi các quầy giao dịch không hoạt động.
Hay máy R - ATM thế hệ mới được lắp đặt ở hội sở VietinBank Vĩnh Phúc cũng được nhiều khách hàng đánh giá cao, và ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng. Nộp tiền vào tài khoản không giới hạn và vào bất cứ thời gian nào; dễ sử dụng, tiện ích, an toàn bảo mật và rút ngắn đáng kể thời gian giao dịch… là những điều khách hàng nhận thấy khi sử dụng.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện có 29 ngân hàng cấp I, 9 chi nhánh Agribank, 94 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh tổ chức tín dụng, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 31 Quỹ tín dụng nhân dân cấp cơ sở. Cùng với phát triển mạng lưới hoạt động, hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và giao dịch thanh toán của người dân, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Sáu tháng năm 2023, giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng toàn tỉnh đã đạt hơn 12.500 tỷ đồng (đạt hơn 50% so với kế hoạch).