Ngành xi măng giải bài toán tồn kho
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh. Tiêu biểu là các thị trường Banglades, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Philippines, Trung Quốc… đã giảm mạnh cả về số lượng và kim ngạch, đặc biệt là 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Philippines.
Trong tháng 8/2022, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 8,86 triệu tấn, mặc dù đã tăng 3,01 triệu tấn so với tháng 7 trước đó nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 6,36 triệu tấn (Vicem tiêu thụ khoảng 2,01 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, uớc tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng khoảng 65,33 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 21,77 triệu tấn, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng tiêu thụ giảm trong khi chi phí sản xuất tăng quá cao đang đe dọa đến hoạt động của nhiều nhà máy xi măng hiện nay.
Các doanh nghiệp sản xuất cần phải chủ động nắm bắt thị trường. |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp ngành xi măng, hiện giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như than, giá cước vận tải tăng mạnh; trong khi tiêu thụ chậm lại, tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá, hệ quả là biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Hoàng Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cho biết, ngành xi măng đang đối mặt khó khăn khi cung vượt xa cầu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt cả về địa bàn, giá cả, số lượng. Tiêu thụ chậm buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, điều này là rất khó khăn.
Tương tự, ông Phạm Văn Hệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình cũng nhận định, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình thừa cung. Do chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh so với những năm trước nên từ đầu năm đến nay lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước thực tế đó, doanh nghiệp đang phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Hiện tổng công suất thiết kế của ngành xi măng là từ 107 triệu tấn đến 123 triệu tấn, nhưng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa chỉ ở mức hơn 50 - 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm. Tồn kho cả nước trong 8 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25-30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinke.
Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn trong ngành cũng sắp đi vào hoạt động khiến cho áp lực dư cung ngày càng lớn. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng (tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, gồm dự án xi măng Xuân Thành 3 (4,5 triệu tấn), dự án xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn), dự án xi măng Long Sơn 4 (2,5 triệu tấn). Riêng dự án xi măng Đại Dương 1, công suất trên 2 triệu tấn đáng lẽ vận hành cuối năm nay, nhưng đã lùi thời hạn hoàn thành sang năm 2023... Các dự án này sẽ bổ sung tổng công suất thiết kế cho ngành xi măng Việt Nam thêm 11,4 triệu tấn, đạt mức 118 triệu tấn xi măng/năm.
Theo Hiệp hội Xi măng, hàng tồn kho đang là nỗi lo lớn của không ít doanh nghiệp hiện nay và là thách thức lớn đối với ngành trong những tháng cuối năm 2022. Dự báo, từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm. Trong khi đó, thị trường trong nước cũng sẽ giảm lượng tiêu thụ do các công trình xây dựng có xu hướng chững lại. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất cần phải chủ động nắm bắt thị trường, điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất. Đồng thời, cần phải xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng.