Nghệ An: Di tích quốc gia đặc biệt xuống cấp
Thiếu hiểu biết hay thiếu tôn trọng di tích quốc gia? |
Di tích Km số 0 ở huyện Tân Kỳ - Nghệ An là nơi đánh dấu điểm xuất phát của tuyến đường vận tải Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ đi Lộc Ninh (Bình Phước) |
Ngay trên Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, thuộc địa phận huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là di tích Mốc Km số 0. Nơi đây vào cuối năm 1972 diễn ra sự kiện xây dựng tuyến vận tải Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ đi Lộc Ninh (Bình Phước) dài 1900km. Tuyến vận tải trên Đường mòn Hồ Chí Minh ngày nào đã góp phần đẩy nhanh việc vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm cũng như con người, đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1990, công trình được ghi danh di tích lịch sử quốc gia, đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định công nhận địa chỉ đỏ này là một trong những điểm du lịch của địa phương. Quyết định cũng có nội dung giao huyện Tân Kỳ quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị khu di tích.
Di tích Km số 0 nằm trong một khuôn viên phức hợp rộng trên 1ha có hồ điều hòa, hàng rào sắt bảo vệ. Trong khuôn viên được trồng khá nhiều cây xanh, trong đó có cây lưu niệm của những nguyên thủ quốc gia như nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng… Cột mốc nơi đánh dấu điểm xuất phát của tuyến vận tải Đông Trường Sơn đã được xây dựng lại bề thế hơn vào năm 2006.
Trong nhà có sảnh khánh tiết, bên cạnh là gian trưng bày những hiện vật liên quan đến điểm di tích trong đó có nhiều hình ảnh ghi lại lịch sử mở đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến vận tải Tân Kỳ - Lộc Ninh. Đáng chú ý là cột mốc đúc bằng bê tông được dựng trong những ngày đầu xây dựng tuyến vận tải. Di vật này hiện không còn nguyên vẹn nhưng đóng vai trò quan trọng ở khu di tích. Ngoài ra còn có một bộ kiếm được cho là từ thời nhà Lê được khai quật ở xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ 15.
Di vật cột mốc số 0 được trưng bày tại bảo tàng khu di tích |
Chị Phạm Thu Hằng, cán bộ quản lý khu di tích cho biết: Hàng năm, địa chỉ đỏ này có khoảng 20 vạn lượt khách tham quan, chủ yếu là người địa phương, học sinh, sinh viên trên địa bàn, các tướng lĩnh quân đội tìm về chiến trường xưa. Nhiều đài phát thanh, truyền hình cũng chọn di tích làm địa điểm thực hiện phim tài liệu.
Chị Hằng, người gắn bó với khu di tích Km số 0 từ năm 2007 cho hay dù đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt nhưng hiện tại vẫn chưa có ban quản lý riêng. Khu di tích vẫn là đơn vị cấp hai của trung tâm văn hóa huyện Tân Kỳ. Dù chính quyền tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định công nhận là điểm du lịch nhưng vẫn chưa được bố trí kinh phí xây dựng các hạng mục kèm theo như bến đỗ xe, nhà chờ, gian hàng lưu niệm…
Để điểm di tích thêm hấp dẫn, đơn vị cũng đã có ý tưởng phục chế một số phương tiện, khí tài quân sự làm mô hình trưng bày ngoài trời và việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, cần sự phối hợp của nhiều cấp ngành và chính quyền địa phương.
Dù đi vào hoạt động chưa phải là lâu nhưng nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp. Bước vào tiền sảnh, du khách dễ dàng nhận ra những mảng tường bị bong tróc và được sơn lại tạm bợ. Tượng đài mô phỏng Km số 0 xuất hiện những vết nứt ở chân đế. Một mảnh đá ốp lát đế đã bị bong ra. Hệ thống hàng rào bảo vệ cũng hư hỏng nhiều chỗ. Trong khuôn viên phía sau nhà quản lý và gian trưng bày cỏ mọc um tùm.
Chị Phạm Thu Hằng cho biết, đơn vị chỉ có 3 người lại không được bố trí kinh phí duy tu, tôn tạo nên nhiều khi các cán bộ di tích phải tự tay dọn cỏ và sơn trét những chỗ bong tróc, hư hại. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Nghệ An nên có sự quan tâm đúng mức đối với điểm di tích quan trọng này.
Thông qua nghị quyết bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, sáng 15/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia. Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 1/6/2019 đến ngày 31/5/2020, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã xuất cấp tổng số 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cu Ba. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện xong việc xuất cấp số gạo nêu trên, kịp thời giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Căn cứ quy định tại Luật Dự trữ quốc gia; trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất cấp cứu trợ, viện trợ. Số kinh phí được bổ sung sử dụng để mua lương thực theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thẩm tra Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, việc xuất cấp 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cu Ba là cần thiết. Vì vậy, việc đề nghị bổ sung kinh phí như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp với quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để mua bù 23.000 tấn gạo đã xuất cấp với mục đích cứu trợ, viện trợ từ ngày 01/6/2019 đến ngày 31/5/2020. DCC |