“Ngon, lạ” chương trình truyền hình thuần Việt
Chương trình giải trí cho thiếu nhi: Cần “chất” hơn! | |
NHNN phối hợp VTV3 ra mắt gameshow “Tiền khéo, tiền khôn” |
Khi truyền hình ngày càng phổ biến, phát triển mạnh mẽ thì điều tất yếu các nhà đài phải tìm mọi cách để lôi kéo khán giả về phía mình. Bởi vậy, ngoài những chương trình giải trí (phim, ca nhạc...), thể thao (bóng đá, quần vợt, bóng chuyền, võ thuật...) đơn thuần thì việc nhà đài sản xuất, phát sóng các game show nhằm “đổi món” cho khán giả là việc làm cần thiết. Cũng từ đó, nhiều chương trình truyền hình thực tế ra đời, với đủ loại hình từ hài kịch, sân khấu, sắc đẹp đến âm nhạc, thi tài năng.
Hát mãi ước mơ – chương trình truyền hình nhiều cảm xúc và đầy tính nhân văn được khán giả yêu mến |
Thời gian đầu, hàng loạt game show có nguồn gốc nước ngoài được các nhà đài mua bản quyền và Việt hóa phục vụ khán giả nước nhà. Những game show ăn khách có thể kể đến Vietnam Idol, X-Factor, Vietnam Got talent, Thank Got you a here, Vietnam Next top Model, The Face... Tuy nhiên, có những game show ngoại vốn được nuôi sống bằng cách tạo chiêu trò, scandal đã làm khán giả ngán ngẩm và quay lưng.
Trước sự xuất hiện của những chương trình giải trí ngoại kể trên, không ít khán giả đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta phải bỏ số tiền lớn để mua từ nước ngoài mà không tự sáng tạo và thực hiện những chương trình thuần Việt để phục vụ người Việt? Nhận ra điều này, không ít nhà sản xuất và các nhà đài ở nước ta đã mạnh dạn cho ra đời một số chương trình “made in Việt Nam” mà sức hút chẳng thua kém gì chương trình của nước ngoài kể trên.
Thời gian gần đây, các game show về nhạc Bolero như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Song ca cùng Bolero trên sóng truyền hình Việt, do Việt Nam sản xuất được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Thông qua những chương trình này đã đưa dòng nhạc Bolero đến gần hơn với công chúng, đồng thời lan tỏa và giúp dòng nhạc này thức giấc trong bối cảnh âm nhạc đương đại Việt đang hội nhập và hòa vào các dòng nhạc mới của thế giới.
Trong khi đó, game show Vợ chồng mình hát, ngoài thi tài ca hát, điều quan trọng mà nhà sản xuất Việt mở ra là giúp các cặp đôi tham gia chương trình này gắn bó, yêu thương nhau hơn. Với chương trình Tiếng hát mãi xanh, bên cạnh việc phát hiện những giọng ca hay của các thí sinh đã ở tuổi trung niên, cao niên là những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn đời thường để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ.
Hát cùng mẹ yêu lại là game show cho khán giả thấy được ngoài tài năng không chuyên của một số nghệ sĩ trung niên, công chúng còn thấu hiểu tình cảm mẹ con của người nổi tiếng.
Được nhiều khán giả chú ý, đánh giá cao những năm qua là game show Sao nối ngôi (phiên bản nhí). Trong game show này, khán giả được thưởng thức nhiều tài năng sở trường cũng như sở đoản khác nhau của các em nhỏ như ca hát, ca cải lương, nhảy hiphop, múa, diễn kịch… tại những tiết mục biểu diễn rất chuyên nghiệp, hoành tráng và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Sao nối ngôi phiên bản nhí còn là những câu chuyện gia đình nghệ sĩ nổi tiếng lần đầu được hé lộ, hay những màn đối đáp cực kỳ hài hước, ngây thơ, hồn nhiên và những nhận xét “cười té ghế” của các bé về cha mẹ mình. Ở phiên bản người lớn, Sao nối ngôi lại là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong những gia đình nghệ sĩ, góp phần khơi dậy tình yêu những loại hình nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra cũng cần nhắc đến game show Đường đến danh ca vọng cổ vốn là một sân chơi đặc biệt cho những người trẻ yêu cải lương, góp phần mang hơi thở mới cho sân khấu cải lương trong thời đại mới.
Chương trình Hát mãi ước mơ lại chinh phục khán giả mọi lứa tuổi, giúp người chơi tự tin bước lên sân khấu, tỏa sáng và giành lấy giải thưởng cao nhất, biến ước mơ chưa được thực hiện của người mình yêu thương trở thành hiện thực là được đứng trên sân khấu cất tiếng hát.
Thông qua Hát mãi ước mơ, nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh khó tin nhưng có thật sẽ được kể trên sân khấu âm nhạc và những ước mơ chia sẻ đậm tình người hứa hẹn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Hay như chương trình Gương mặt truyền hình cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa bởi nhà sản xuất nỗ lực hướng đến sự tử tế bằng những chia sẻ nghiêm túc về nghề, những phần thi mang tính trải nghiệm thực tế cao, đầy thách thức chứ không sáo mòn, chạy theo những hào nhoáng, gây sốc như nhiều chương trình khác.
Nhiều chương trình giải trí thuần Việt kể trên đã khiến nhiều chương trình được mua của nước ngoài không còn chiếm thế thượng phong. Điều đáng mừng nhất nhiều chương trình giải trí thuần Việt làm được là tôn vinh giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân - thiện - mỹ.
Ngoài ra chất lượng, chiều sâu, ý nghĩa của các chương trình hiện nay cũng được các nhà sản xuất chú trọng và đầu tư nghiêm túc vừa giúp khán giả được thưởng thức nhiều “món ngon” mà còn tự đào thải những chương trình không phù hợp về văn hóa, dễ dãi về nghệ thuật, chất lượng kém.