“Người đi dép cao su” vào lịch sử
Vở kịch “Người đi dép cao su” được biểu diễn đúng vào ngày sinh nhật Bác tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn trước đó đã có các buổi tổng duyệt và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn.
“Người đi dép cao su” được thực hiện dựa theo kịch bản văn học của tác giả Kateb Yacine (1929 - 1989), nhà văn nổi tiếng người Algeria. Sinh thời, Kateb Yacine từng đi rất nhiều nước trên thế giới, ông đến Việt Nam từ năm 1967, thăm Hà Nội và sau đó còn đi thăm một số nơi ở miền Bắc. Những điều mắt thấy tai nghe trên đất nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử Việt Nam, con người và vị lãnh tụ mang tên Hồ Chí Minh.
Cảnh trong vở diễn “Người đi dép cao su” |
“Người đi dép cao su” chính là tác phẩm đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của tác giả Kateb Yacine, ông viết vở kịch này năm 1970, do nhà xuất bản Seuil ở Pháp in ấn và được trình diễn lần đầu tiên tại thủ đô Algiers (Algeria) tháng 10/1971. Tập kịch dài gồm 8 hồi, với không gian đồ sộ lên đến 1.800 lời thoại. Nhân vật chính là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xây dựng rất khéo léo, không xuất hiện thường trực trên sân khấu để khán giả cảm và nhận ra như một nội dung xuyên suốt vở kịch.
Tại nước ta, Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện dàn dựng “Người đi dép cao su”. Vở kịch được biên tập và đạo diễn bởi NSƯT Lê Mạnh Hùng, thiết kế sân khấu NSƯT Doãn Bằng; âm nhạc NSƯT Hoàng Lâm Tùng; biên đạo múa NSND Kiều Lê.
Trong vở diễn này, nghệ sĩ Minh Hải được tin tưởng giao thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ trẻ Quang Đạo thể hiện hình ảnh Người thời trẻ; NSƯT Trịnh Mai Nguyên vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong vở kịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh được khai thác ở góc độ một con người của đời thường, bình dị mà lớn lao. Đạo diễn NSƯT Lê Mạnh dẫn dắt người xem về những bối cảnh lịch sử, điểm lại những mốc son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Người. Khán giả rưng rưng trước tình huống tái hiện giai đoạn Bác bị giam giữ và giải đi qua 30 nhà lao của 13 huyện khác nhau ở Trung Quốc.
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, “Người đi dép cao su” lần đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam, thông qua đó giới thiệu hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới một góc nhìn mới, đầy sáng tạo. Vở kịch sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và Algeria ngày càng bền chặt. Nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, “Người đi dép cao su” không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một bản trường ca, khắc họa một cách vô cùng sống động về đất nước và con người Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử; cũng như ngợi ca tinh thần chiến đầu kiên cường, anh dũng để bảo vệ và giữ vững nền độc lập hôm qua, hôm nay và mai sau.
Ngoài ra, nền nghệ thuật sân khấu nước ta những năm gần đây còn xuất hiện nhiều vở diễn xuất sắc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể kể đến “Người cầm lái” - vở nhạc kịch về Bác Hồ do Nhà hát Công an nhân dân dàn dựng. Qua nhạc kịch này các nghệ sĩ đã làm nổi bật hình tượng vừa gần gũi vừa vĩ đại về Bác - người Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới và là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.
Đó còn là vở kịch “Lá đơn thứ 72” do NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn, dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du. Nhiều người đánh giá cao tài đạo diễn của NSND Lê Tiến Thọ vì ông đã chọn được những lát cắt đắt giá để làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở “Lá đơn thứ 72”. Bác với bộ quần áo ka-ki giản dị, quen thuộc ngồi làm việc trên chiếc ghế mây ở Phủ Chủ tịch. Bác luôn trăn trở việc nước, việc dân. Khi cấp dưới làm việc còn thiếu sót, Người lập tức chấn chỉnh nhẹ nhàng mà thấm thía.
Không thể không nhắc đến vở kịch “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy”, kể về câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo đêm Giao thừa năm 1962, là một câu chuyện minh chứng cho tình yêu thương của Bác, như một bài ca đẹp đi cùng tháng năm và cho thấy quan điểm gần dân, quan tâm đến đời sống người nghèo của Bác. Rồi kịch ngắn “Đoàn kết là sức mạnh” kể câu chuyện thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nói lên những chia rẽ nội bộ trong đơn vị bộ đội, sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác “dàn hòa”. Nhờ đó, những cá nhân đơn lẻ đã tìm thấy con đường hòa vào cuộc chiến đấu chung.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tác giả kịch bản “Nước non vạn dặm” chia sẻ, Bác Hồ đã ở trong trái tim nhiều thế hệ. Đã có hàng chục tác phẩm sân khấu với những loại hình khác nhau thể hiện hình tượng Người. Vì vậy, tác phẩm mới phải khai thác ở những khía cạnh, những câu chuyện bình dị thật hấp dẫn, để từ đó toát lên sự vĩ đại của Người. Trong thời gian qua nền nghệ thuật sân khấu nói riêng đã có những tác phẩm chất lượng, giàu giá trị nội dung, tư tưởng nghệ thuật về Bác được công chúng đón nhận và đánh giá cao.