Nguồn vốn nào cho quy hoạch điện VIII?
Quy hoạch điện VIII: Sẽ tháo gỡ các nút thắt trong phát triển điện lực? | |
Quy hoạch điện VIII: Tập trung đồng bộ và có chiều sâu | |
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia |
Các ý kiến đóng góp gửi về Bộ Công thương băn khoăn cho rằng, dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐVIII) đang tương đối cao so với các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội (kịch bản cơ sở tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 là 9,1%, giai đoạn 2026-2030 là 7,9%), điều này sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư nguồn và đầu tư lưới điện truyền tải sẽ tăng cao so với nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tăng trưởng điện thương phẩm lại có xu hướng giảm dần, từ 11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Do đó, Bộ Công thương cần xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu và nhu cầu đầu tư nguồn, lưới phù hợp với thực tế, nhất là cần xem xét yếu tố ảnh hưởng do dịch bệnh trong dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025.
Bộ Công Thương cần xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu đầu tư nguồn lưới |
Đơn vị tư vấn QHĐVIII cho rằng, dự báo nhu cầu điện dựa trên việc thay đổi cơ cấu trong dự báo kinh tế, theo đó giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng công nghiệp vẫn dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, chỉ ở giai đoạn sau 2035, tăng trưởng dịch vụ mới cao hơn và dẫn dắt tăng trưởng GDP. Do đó, ở giai đoạn 2021-2030, nhu cầu điện vẫn chưa có mức giảm đáng kể.
Hơn thế, mức tăng nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020 giảm xuống 8,5% là do tác động của Covid-19 trong năm 2020 (tăng trưởng điện thương phẩm chỉ 3,1%). Do đó, sử dụng mốc dị biệt 2020 trong đánh giá tăng trưởng điện thương phẩm 5 năm là chưa hợp lý. Nếu xét đến tăng trưởng 2016-2019, điện thương phẩm vẫn tăng ở mức trung bình 10,1%/năm. Vì vậy mức tăng trưởng nhu cầu điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 (9,1%), 2026-2030 (7,9%) vẫn có sự giảm tốc phù hợp.
Theo dự thảo QHĐVIII, với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,6%/năm thì tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 là khoảng 128,3 tỷ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới)...
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn cho biết, QHĐVIII dự kiến sẽ thực hiện theo cơ chế đấu thầu, trong khi các quy định về đấu thầu chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật công nghệ. Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần có các chỉ tiêu thông số cụ thể về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất, năng lượng và giá mua điện. Đây là bài toán phức tạp khó có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang tiến tới thị trường chào giá cạnh tranh.
"Lưu ý rằng, với chế độ huy động công suất của các nguồn điện chạy nền dự kiến trong QHĐVIII, hiệu quả đầu tư sẽ giảm đáng kể, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy bài toán huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành điện hiện đang rất khó khăn, trong giai đoạn sắp tới sẽ còn khó gấp bội, cần có những giải pháp tháo gỡ", chuyên gia quy hoạch điện ông Ngô Tuấn Kiệt khuyến cáo.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay nước ta có công suất khoảng gần 70.000 MW, dự báo nhu cầu phụ tải điện trong 10 năm tới vẫn ở mức cao, khoảng 8%, đến năm 2030, công suất của hệ thống điện của cả nước sẽ đạt khoảng gần 140.000 MW, gấp đôi so với hiện nay. Vì vậy, cần nguồn lực đầu tư rất lớn cho nguồn điện cũng như các đường dây đồng bộ với hệ thống điện. Số liệu báo cáo cho thấy mỗi năm chúng ta cần đầu tư khoảng 12 đến 13 tỷ USD cho hệ thống điện - là con số “khủng” và cũng là một thách thức rất lớn đối với việc phát triển hệ thống điện trong thời gian tới. Vì vậy, đối với từng dự án, sau này các chủ đầu tư sẽ phải báo cáo nghiên cứu và nghiên cứu khả thi, trong đó có việc phân tích tài chính kinh tế của từng dự án và đối với nguồn vốn thì lãi suất như thế nào, nguồn vốn ở đâu. Tất cả những chi tiết sẽ được tính toán cụ thể.
"Đối với một đề án QHĐVIII, chúng tôi chỉ báo cáo ở mức độ về tổng vốn huy động để thực hiện quy hoạch này cũng như một số giải pháp chính để thực hiện quy hoạch. Đối với việc huy động vốn, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi...", ông Dũng cho hay.
Phía tư vấn Bộ Công thương cũng cho biết, trong chương 18 đề án đã đề xuất các cơ chế giải pháp để thu hút đầu tư, đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Cần hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống tích hợp quy mô lớn nguồn điện gió và mặt trời, cơ cấu biểu giá điện cũng phải thay đổi để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo. Việc xây dựng các cơ chế và các giải pháp cần phải thực hiện ngay để đảm bảo thu hút đầu tư theo định hướng phát triển.