Nguy cơ về thảm họa vỡ nợ
Theo đó, kinh tế gia trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics đã mô tả những bế tắc về việc tăng giới hạn nợ là một “mối đe dọa tức thời” đối với nền kinh tế Mỹ và có thể tác động tiêu cực đến hầu như tất cả người dân Mỹ. “Vỡ nợ sẽ là một đòn giáng thảm khốc đối với nền kinh tế vốn đã mong manh. Thời điểm hiện nay không thể tồi tệ hơn đối với nền kinh tế, vì ngay cả trước khi bóng ma về giới hạn nợ bị vi phạm, nhiều CEO và chuyên gia kinh tế tin rằng, một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong năm nay”, Zandi nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Trong các mô phỏng kinh tế mới, Moody's ước tính rằng chỉ cần vi phạm giới hạn nợ trong thời gian ngắn cũng sẽ “giết chết” gần 1 triệu việc làm và khiến nền kinh tế chìm vào suy thoái "nhẹ". Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% vào đầu năm nay lên gần 5%. Các thị trường sẽ bị rung chuyển, xóa sạch một phần tiền tiết kiệm hưu trí và các khoản tiền dành dụm của nhiều người Mỹ.
“Dường như có khả năng tái xảy ra TARP (Chương trình trợ cấp các tài sản xấu nhằm ổn định hệ thống tài chính, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu sự tịch thu tài sản để thế nợ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008)”, Zandi viết trong báo cáo, đề cập đến sự kiện cuối năm 2008 khi Quốc hội Mỹ ban đầu không thông qua chương trình cứu trợ này nhưng sau đó nhanh chóng phải đảo ngược hướng đi sau khi thị trường lao dốc. “Một cuộc khủng hoảng tương tự, đặc trưng bởi lãi suất tăng vọt và giá cổ phiếu lao dốc, có thể sẽ bùng phát”.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hôm thứ Hai cho biết, xếp hạng tín nhiệm của Mỹ có thể bị hạ bậc ngay cả khi tránh được tình trạng vỡ nợ. Lý do vì mức trần nợ luôn tái diễn tình trạng “bế tắc”, nguy cơ vi phạm giới hạn như vậy sẽ làm tăng nợ đồng USD và trái phiếu kho bạc.
Viện dẫn những lo ngại về “núi nợ” của Mỹ, đảng Cộng hòa đã kêu gọi cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang để đổi lấy việc tăng trần nợ. Tuy nhiên Moody’s cảnh báo rằng, việc cắt giảm chi tiêu chính phủ “đáng kể” trong kịch bản này sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái vào năm 2024, khiến nền kinh tế mất khoảng 2,6 triệu việc làm và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên gần 6%. Và trong đó, theo Zandi, các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ phải chịu thiệt hại nhiều hơn vì họ phụ thuộc rất nhiều vào các trợ cấp của Chính phủ nhưng sẽ không còn khi cắt giảm ngân sách diễn ra.
Nhưng đây thậm chí vẫn chưa phải là một kịch bản tồi tệ nhất. Theo Moody’s, việc vi phạm trần nợ kéo dài sẽ gây ra một “cơn đại hồng thủy” đối với nền kinh tế Mỹ, tương tự như những gì đã trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nếu “cơn đại hồng thủy” này diễn ra, dự báo kinh tế Mỹ sẽ mất hơn 7 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức trên 8% và 10 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình sẽ biến mất khi chứng khoán lao dốc hơn 20%.
Với mô phỏng thiệt hại khổng lồ như vậy, Moody's Analytics kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ cần tránh “chơi trò thi gan” với nợ của Mỹ. “Các nhà lập pháp nên chấm dứt tranh cãi về giới hạn nợ và cho phép tăng nợ lên mà không cần có sự ràng buộc nào để các thế hệ tương lai có thể hưởng những lợi ích tương tự”, Zandi nói trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn.