Nhà băng cạnh tranh tiếp thị trực tuyến
Tranh thủ tận dụng cơ hội mua hàng trực tuyến giá rẻ | |
Trải nghiệm diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 |
Thông qua mobile apps, các TCTD ngoài việc phát triển sản phẩm dịch vụ, mở rộng các kênh tiếp cận khách hàng còn có thể đo lường, kiểm soát chi phí, tính toán xu hướng người dùng, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, đặt nền tảng cho việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Hình thức khuyến mãi tải app nhận quà được nhiều ngân hàng sử dụng để lôi kéo người dùng |
Chi tiền tỷ làm và quảng bá apps
Ghi nhận trên các website, các nền tảng tìm kiếm và các trang mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo, youtube… hiện nay, những video quảng cáo ngắn, những đoạn giới thiệu, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các apps của ngân hàng, ví điện tử… đã không còn hiếm gặp.
Hầu như tất cả các nhà băng đến thời điểm này việc xây dựng các mobile apps để giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tài chính số đã là một nhu cầu cấp thiết và không thể nào bỏ bên ngoài chiến lược kinh doanh.
Thực tế, trong vòng 5 năm vừa qua các NHTM đã phải chi ra nhiều tỷ đồng để đầu tư vào các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động. Đơn cử các thống kê của ACB cho thấy, để tạo dựng, kết nối hệ thống Mobile Banking, đơn vị này đã phải thành lập Quỹ công nghệ với số vốn 500 tỷ đồng và mỗi năm dự kiến chi ra 35 triệu USD để cập nhật và đổi mới các công nghệ ngân hàng số.
Ở các nhà băng khác việc chi tiền tỷ cho các mobile apps và các ứng dụng số hóa trên di động cũng không hề kém cạnh. Chẳng hạn mỗi năm SCB chi ra khoảng 10 triệu USD chỉ để duy trì, nâng cấp các apps trên smartphone và quảng bá thu hút người dùng. Trong khi đó, Techcombank tuyên bố đầu tư 300 triệu USD để đổi các ứng dụng công nghệ, VPBank đầu tư 500 triệu USD cho ứng dụng Yolo, TPBank, MB ngoài việc đầu tư nâng cấp các app trên điện thoại còn treo giải thưởng hàng chục tỷ đồng để thu hút khách hàng sử dụng.
Số liệu thống kê từ Apple’s App Store cho thấy, hiện nay mỗi ngày trên nền tảng Google Play và Apple’s App Store có hơn 1.000 ứng dụng di động mới được ra mắt.
Để cạnh tranh người dùng tải xuống, cài đặt và sử dụng, các NHTM hoặc các Fintech thường phải chi ra từ 31-70% ngân sách dành cho phát triển công nghệ số để tập trung vào hoạt động marketing, khuyến mãi và chăm sóc hậu mãi. Chính vì vậy, chiến lược liên kết tiếp thị (Affiliate Marketing) đang trở thành chiến lược quan trọng mà các NHTM đặt ra để cạnh tranh trong quá trình vận hành các ứng dụng di động.
Theo bà Vũ Kim Oanh - CEO của tổ chức Omega Media Worldwide JSC, hiện nay ở Việt Nam những mobile apps của các NHTM như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và ACB đang là những apps có lượng người dùng tải xuống nhiều nhất. Các ví điện tử như Momo, ViettelPay, ZaloPay, AirPay… cũng đang có lượng người dùng khá lớn. Tuy nhiên, việc tính toán hiệu quả sử dụng các mobile apps thì không có những thống kê cụ thể và khó đo lường chính xác được lợi nhuận mang về từ các chiến lược tiếp thị các ứng dụng di động.
Đổi mới liên tục để cạnh tranh
Theo phân tích của các chuyên gia về lĩnh vực mobile apps, việc liên tục đổi mới các ứng dụng di động để gia tăng trải nghiệm của khách hàng chính là yếu tố then chốt để các NHTM giữ chân khách hàng cài đặt và sử dụng lâu dài các apps liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Khảo sát của tổ chức Social Media trên hơn 1 triệu lượt thảo luận về các mobile apps của NHTM trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy rằng, hiện nay lượng người dùng không hài lòng với các mobile apps của ngân hàng chiếm hơn 1/2 số thảo luận được khảo sát. Có tới hàng ngàn người dùng cho biết họ sẵn sàng từ bỏ ngân hàng đang sử dụng để chuyển sang thương hiệu khác hoặc thay thế app ngân hàng bằng ví điện tử. Điều này cho thấy, cuộc cạnh tranh giữ khách hàng đối với các NHTM đang diễn ra khốc liệt, đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến các moblie apps của mình.
Theo các chuyên gia tại tổ chức App Annie, kinh nghiệm để các NHTM giữ chân khách hàng sử dụng mobile apps là cần liên tục duy trì đổi mới các trải nghiệm. Theo đó, đối với một app về tài chính yêu cầu “tất cả trong một” là yêu cầu quan trọng nhất cần được tích hợp. Ngoài ra, các app ngân hàng cần được thiết kế thân thiện, đẹp mắt có bảo mật vân tay, giao dịch nhanh chóng, ít phí và ít lỗi khi giao dịch.
Tổ chức App Annie cũng khuyến nghị rằng, trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với các ứng dụng của Fintech, ngoài việc phát triển các nền tảng số hóa gia tăng kết nối, các NHTM cũng cần đầu tư cho hệ thống nhân viên chăm sóc khách hàng online. Việc đầu tư các chương trình chat bot, chat online và dễ hiểu hóa các thuật ngữ chuyên môn tài chính - cũng sẽ giúp các ngân hàng giữ được lượng khách cài đặt và sử dụng các app di động.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thiết tạo lập, duy trì các diễn đàn trên không gian mạng xã hội để thường xuyên lắng nghe ý kiến, thảo luận của khách hàng trên các kênh online nhằm bắt kịp xu hướng của người dùng, cải thiện dịch vụ và ngăn ngừa những tiêu cực không đáng có xung quanh thương hiệu.