Nhà băng hy sinh lợi nhuận vì lợi ích chung
Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách hàng trước dịch Covid-19 | |
Chung tay cùng vượt qua khó khăn | |
Hỗ trợ thuế, phí cần đồng hành ưu đãi tín dụng |
Chia sẻ với doanh nghiệp
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã có những động thái hết sức quyết liệt, chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng do dịch để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Tiếp sau Công văn số 541/NHNN-TD ngày 4/2/2020, Thông báo số 35/TB-NHNN ngày 7/2/2020, Công văn số 1117/NHNN-TD ngày 24/2/2020, ngày 11/3/2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chủ trì cuộc họp với Ban Lãnh đạo NHNN nhằm nắm bắt tình hình và tăng cường triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Thống đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình Thống đốc ký ban hành Thông tư quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các nhà băng đồng loạt đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng dịch Covid-19 |
Đặc biệt, NHNN vừa ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và NHNN, thể hiện trách nhiệm chia sẻ với các DN, hàng loạt các NHTM đều đã có những hành động, giải pháp khẩn trương để có thể hỗ trợ DN ngay lập tức. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng chia sẻ khó khăn với DN, với tổng giá trị khoảng 285.000 tỷ đồng. Như BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, MB là 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng…
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, nhà băng này dành nguồn vốn 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD triển khai chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngắn hạn với lãi suất cho vay khách hàng là chỉ từ 5% đối với VND và từ 2,6% đối với USD. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh trong dài hạn cho DN, VietinBank cũng đưa ra mức lãi suất chỉ từ 8,1%/năm với thời gian ưu đãi tương đối dài, lên đến 05 năm. Ngân hàng này cũng hỗ trợ DN tiết giảm chi phí hoạt động thông qua nhiều chương trình miễn các loại phí giao dịch ngân hàng điện tử.
Ghi nhận mới trên thị trường, VIB cũng vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1,5%, ước tính tổng dư nợ của khách hàng DN được giảm lãi khoảng 2.500 tỷ đồng. Eximbank cũng đưa ra gói 8.000 tỷ đồng cho DN ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,99%/năm áp dụng cho DNNVV; gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 5%/năm đối với DN lớn. MSB triển khai gói vay thế chấp với lãi suất 6,59% áp dụng từ nay cho tới hết tháng 3/2020...
Cân nhắc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận
Việc NHTM tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi hỗ trợ DN cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của nhà băng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, hay nói cách khác ngân hàng sẽ phải chấp nhận việc lợi nhuận bị sụt giảm.
Trước diễn biến bệnh dịch phức tạp, nhiều khả năng ngân hàng sẽ phải tính toán giảm mục tiêu lợi nhuận của năm ở mức phù hợp. Tại ĐHĐCĐ của BIDV mới tổ chức vừa qua, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cũng cho hay, kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà Ban lãnh đạo ngân hàng này trình cổ đông thông qua là kịch bản tích cực nhất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.
Thừa nhận sự phức tạp của dịch bệnh chưa thể đo lường được hết, và vấn đề lợi nhuận của ngân hàng cũng khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, song CEO một NHTM chia sẻ: “Ngân hàng cũng là DN, nên điều quan tâm chính là lợi nhuận. Song cũng chính vì là DN, nên các NHTM đều phần nào thấu hiểu được những khó khăn mà các DN đang gặp phải trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là điều không ai mong muốn, nên việc giảm lãi bao nhiêu, ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu lợi nhuận ở thời điểm này tôi cho rằng các ngân hàng sẽ không quá tính toán. Quan trọng là hỗ trợ được cho khách hàng tháo gỡ khó khăn, vì DN khó khăn, ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng”.
Moody Investors Service trong báo cáo phân tích mới nhất đã chỉ ra các rủi ro bất lợi với chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể phát sinh từ sự lây lan khó lường của dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại trao đổi hàng hoá, dẫn tới các khoản nợ xấu từ các DN sản xuất, thương mại và DN kinh doanh các lĩnh vực khác có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. Mức tăng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các DN đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, với mức tăng trưởng thấp như 2 tháng qua, rất có khả năng năm nay sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, theo ông này, “chúng ta có thể chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn, bởi nhu cầu tín dụng hiện tại không cao như năm ngoái khi rất nhiều DN đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, khó khăn trong hấp thụ vốn. Việc thậm chí chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với mục tiêu cũng là phù hợp với điều kiện kinh doanh, bởi tình hình dịch bệnh sẽ định hình nhu cầu tín dụng của DN thời gian tới”.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận thấy, nhìn theo hướng tích cực, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp cũng là cơ hội để các ngân hàng có thể tập trung tái cơ cấu lại. Bởi trong những năm vừa qua, phải thừa nhận là các nhà băng luôn bị áp lực khi phải chạy theo các chỉ tiêu kinh doanh, đâu đó gây ra một số lỗ hổng về quy trình, quy chế nội bộ... Việc tái cơ cấu từ sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, nền tảng công nghệ... sẽ giúp cho các ngân hàng cải thiện và củng cố tiềm lực của mình, trong bối cảnh sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận. “Lợi nhuận năm nay có thể sẽ không cao như năm ngoái, nhưng nếu mỗi ngân hàng có thể giữ chỉ tiêu ROE ít nhất 10% và ROA tối thiểu 1% đã là quá tốt rồi”, chuyên gia này cho hay.