Hỗ trợ thuế, phí cần đồng hành ưu đãi tín dụng
Ngân hàng chi tiết hóa các gói ưu đãi
Để triển khai ngay gói vay ưu đãi lãi suất với tổng hạn mức 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD, BIDV đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh trên toàn quốc rà soát khách hàng DN bị thiệt hại do dịch Covid-19 ở 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm: du lịch - lữ hành - khách sạn; giao thông vận tải; thương mại có xuất nhập khẩu sang Trung Quốc; các ngành sản xuất theo chuỗi có nguồn cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc và các ngành thương mại nông lâm thủy-hải sản, hàng tiêu dùng.
Các DN thuộc 5 khối ngành trên, nếu thỏa mãn đồng thời 6 điều kiện (gồm: có thời gian thiết lập quan hệ tín dụng từ 12 tháng trở lên; được phân loại nợ nhóm 1, xếp hạng tín dụng nội bộ từ BB+ trở lên; không thuộc đối tượng bị cấm cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi theo quy định của pháp luật; chỉ tiêu vốn chủ sở hữu >0; trong 1 năm gần nhất không có nợ cơ cấu tại BIDV và không có nợ nhóm 2 tại các TCTD khác; trong 3 năm gần nhất không có nợ xấu, nợ ngoại bảng, nợ bán cho VAMC tại các TCTD; và có cam kết chuyển doanh thu từ hoạt động kinh doanh về tài khoản mở tại BIDV tối thiểu tương ứng với tỷ trọng tài trợ vốn của ngân hàng), sẽ được BIDV áp dụng giảm 1%/năm đối với lãi suất cho vay VND và 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay USD (đến hết tháng 6/2020).
Nhiều gói tín dụng hỗ trợ DN đã được các NHTM lên kế hoạch cho vay |
Kienlongbank cũng đã có văn bản gửi tất cả các chi nhánh để hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá, phân loại và áp dụng hình thức hỗ trợ tín dụng. Cụ thể, ngân hàng cho phép các chi nhánh giảm lãi suất 3%/năm đối với các khoản vay trong hạn so với mức lãi suất vay đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng. Các chi nhánh cũng được miễn phạt tiền lãi nợ quá hạn và tiền lãi chậm trả đối với các khách hàng kể trên.
Để các chi nhánh có căn cứ cụ thể nhằm áp dụng ưu đãi cho từng loại hình DN, Kienlongbank quy định rất cụ thể, chương trình ưu đãi này áp dụng cho các khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích bổ sung vốn trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái chủ yếu, bao gồm: thanh long, dưa hấu, mít, xoài, sầu riêng, chôm chôm và chuối. Các khoản vay được áp dụng phải là các khoản vay ngắn hạn, được ký vay và giải ngân trước ngày 31/12/2019 và thời điểm đó khách hàng phải không có nợ từ nhóm 2 trở lên tại đơn vị.
Đa số các ngân hàng đã khá chủ động trong việc đưa ra các tiêu chí đánh giá thiệt hại của DN để áp dụng các mức hỗ trợ lãi suất và giãn nợ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tại TP.HCM và Đồng Nai, các chi nhánh của Agribank đã kế thừa các kinh nghiệm hỗ trợ dịch tả heo châu Phi (năm 2019) để chủ động xây dựng các tiêu chí hỗ trợ khách hàng dựa vào mức sụt giảm của giá cả, doanh thu đối với các DN, trang trại chăn nuôi và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo một số chi nhánh Agribank tại Củ Chi và Biên Hòa, việc giãn nợ và cho vay mới đối với khách hàng được thực hiện theo các quy định của Nghị định 55/2013 và Nghị định 116/2018 nên khá hiệu quả và đúng đối tượng.
Thuế phí cần nhanh chóng vào cuộc
Trong khi hoạt động hỗ trợ về lãi suất vay vốn, miễn giảm các phần nợ quá hạn và gia hạn trả nợ các khoản vay đã được hệ thống ngân hàng triển khai khá cụ thể thì theo phản ánh của nhiều DN, chính sách hỗ trợ về thuế, phí vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay hàng loạt các hiệp hội DN TP.HCM đã gửi kiến nghị lên phía Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm các loại thuế phí trong năm 2020, nhưng chưa có DN nào nhận được sự hỗ trợ trực tiếp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, hiện vẫn phải chờ Chính phủ và Quốc hội thông qua dự thảo Nghị định về gia hạn nộp các loại thuế phí thì mới có thể triển khai rộng khắp được.
Theo ông Phụng, dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế phí đã được Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, ngành Thuế đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế với 3 loại thuế chính là thuế GTGT, thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, áp dụng cho các DN thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như: nông - lâm - thủy sản, vận tải và du lịch lưu trú.
Phương án Bộ Tài chính đề xuất là gia hạn thời gian nộp thuế GTGT các tháng 3,4,5,6 cho các DN khai thuế theo tháng và giãn thời gian nộp thuế quý I và quý II cho các DN khai thuế theo quý. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất lùi thời hạn nộp tiền thuê đất kỳ giữa năm (thông thường nộp vào cuối tháng 5) để tạo điều kiện cho DN tận dụng dòng tiền. Tuy nhiên, tất cả những chính sách này vẫn phải chờ Chính phủ thông qua trong các tháng tới thì ngành Thuế các địa phương mới triển khai được.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng nếu so sánh với các giải pháp hỗ trợ về tín dụng thì việc cho phép chậm nộp thuế và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc giảm một loạt các loại phí, lệ phí là có thể được thực hiện ngay, vì điều này nằm trong tầm tay của cơ quan hữu quan. Trong khi đó, các NHTM còn phải tính toán tái cấu trúc lại các khoản vay phụ thuộc vào thị trường.
Ông Bình cho rằng, bản chất của “gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng” mà Bộ Tài chính tính toán không phải là tiền được bơm ra từ ngân sách mà là các khoản chưa thu hoặc giảm thu của ngân sách. Trong trường hợp dịch sớm được khống chế và các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, các khoản chậm nộp này sẽ được hoàn trả vào những quý cuối năm. Do vậy, có thể sẽ không ảnh hưởng lớn tới việc cân đối ngân sách. Vì thế, Bộ Tài chính và Chính phủ cần nhanh chóng triển khai cụ thể, để các DN có thể tiếp cận được các ưu đãi tài chính kịp thời.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng nếu so sánh với các giải pháp hỗ trợ về tín dụng thì việc cho phép chậm nộp thuế và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc giảm một loạt các loại phí, lệ phí là có thể được thực hiện ngay, vì điều này nằm trong tầm tay của cơ quan hữu quan. Trong khi đó các NHTM còn phải tính toán tái cấu trúc lại các khoản vay phụ thuộc vào thị trường. |