Chung tay cùng vượt qua khó khăn
Không thiếu hàng hóa đáp ứng cho thị trường | |
Đồng hành và chia sẻ, nhưng vẫn phải đề phòng nợ xấu | |
Hỗ trợ thuế, phí cần đồng hành ưu đãi tín dụng |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 2 tháng qua, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí thực tế đã có một số đơn vị tạm dừng hoạt động, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN Việt Nam đã có công văn số 1117/NHNN-TD, yêu cầu các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vayvốndo dịch Covid - 19 để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ,miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 và đến ngày 31/3/2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Đồng thời cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, đây không chỉ được xem là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các NHTM với khách hàng, mà còn là giải pháp để ngân hàng tự bảo vệ, vì hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn là giúp giảm thiểu nguy cơ nợ xấu, mất vốn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đối với thuế xuất nhập khẩu, cần nghiên cứu giảm, giãn thời hạn đóng thuế với một số đối tượng, lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi Covid-19.
Cục Thuế các địa phương cần giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho DN xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền, tài chính nhanh cho DN trong lúc khó khăn. Ngành hải quan cần tạo điều kiện, đẩy nhanh hơn nữa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để đẩy nhanh việc luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh.
Đối với thuế nhập khẩu, xem xét việc cho áp dụng thông quan trước rồi nộp thuế sau đối với một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu chịu tác động của dịch bệnh nhằm giảm áp lực tài chính đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu.
Các khu, cụm công nghiệp nên có chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng để giúp DN giảm chi phí đầu vào trong lúc khó khăn. Sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát giảm chi phí đầu vào cho DN và chi phí thiết yếu của người lao động trong lúc khó khăn.
Do ảnh hưởng của Covid-19, một số DN đã và đang cắt giảm lao động. Do vậy, ngoài việc giải quyết các chế độ cho người lao động mất việc theo quy định bảo hiểm thất nghiệp thì đây là lúc thích hợp nhất để cơ quan quản lý Nhà nước về lao động chuẩn bị và triển khai các hoạt động đào tạo, đào tạo lại cho các lao động mất việc nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.
Cùng với các “quyết sách” hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, các DN cũng cần chủ động tìm giải pháp cắt giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tránh dàn trải. DN xem xét các giải pháp huy động thêm nguồn tài chính; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng cần phải có chính sách giữ lao động giỏi, lao động có chuyên môn cao trong lúc khó khăn và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phục hồi, phát triển hậu tác động của dịch bệnh.
DN cần vận dụng tốt các quy định trong Luật Lao động, các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp DN gặp khó khăn, phải dừng/thu hẹp sản xuất để giải quyết quyền lợi của người lao động đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của DN; chủ động tìm kiếm các thông tin về khách hàng mới, thị trường mới, nguồn cung cấp mới để đa dạng hóa thị trường, khách hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…