Nhà băng trợ vốn theo cơ chế đặc thù
Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Vốn Agribank giúp doanh nghiệp vươn tầm quốc tế |
Phân công nhiệm vụ đến từng chi nhánh
Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 NHTM bao gồm (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, MB, ACB, Sacombank và Saigonbank) nhằm tăng cường huy động nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương.
Trong số các NHTM trên, các ngân hàng lớn như BIDV và Agribank trong năm 2024 đã thực hiện ký kết các nội dung tương tự với HFIC nhằm triển khai cho vay hợp vốn đối với các dự án thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất, thực hiện theo Nghị quyết 8/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND của HĐND TP. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Agribank cho biết, từ khi ký kết hợp tác với HFIC (tháng 5/2024) đến nay, ngân hàng này đã phân công chi nhánh Phú Nhuận làm đầu mối để chủ động nắm bắt, triển khai các chương trình tín dụng có hỗ trợ lãi suất từ ngân sách địa phương. Ngân hàng này cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị từ các doanh nghiệp, hợp tác xã đối với chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất này. Hiện Agribank đã cùng với HFIC thống nhất về hình thức thẩm định. Từ đó xem xét quyết định về tỷ lệ tham gia cấp tín dụng hợp vốn đối với từng dự án. Nhiều khả năng các khoản vay hợp vốn có tài trợ lãi suất sẽ được giải ngân trong quý I/2025.
Tương tự, đối với BIDV, từ khi hợp tác với HIFC (tháng 10/2024) đến nay, ngân hàng này đã phân công chi nhánh Bình Hưng làm đầu mối, tổng hợp và triển khai thẩm định, giải ngân cho vay các dự án thuộc chương trình. Qua tổng hợp, hiện đã có khoảng hơn 10 dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng hạ tầng được BIDV và HFIC xem xét thẩm định và tính toán mức độ tài trợ vốn cũng như tỷ lệ hỗ trợ về lãi suất từ ngân sách.
Đại diện Vietcombank cho biết, việc TP. Hồ Chí Minh tái khởi động chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay kích cầu đầu tư là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong giai đoạn trước (2015-2021) chính sách này đã từng giúp hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Riêng Vietcombank giai đoạn đó đã hỗ trợ cho vay hơn 40 dự án, với tổng vốn vay gần 3.000 tỷ đồng. Vì thế, hiện nay khi HIFC nối lại chương trình này, ngân hàng sẵn sàng đồng hành để cho vay hiệu quả đối với các dự án hạ tầng trọng điểm.
Đại diện các NHTM khác như Sacombank, ACB, VPBank… đều bày tỏ, việc hợp tác với HFIC là cơ hội để trong năm 2025 các TCTD đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các ngành nghề mũi nhọn tại TP. Hồ Chí Minh, nhất là các lĩnh vực trọng yếu như công nghệ cao, chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa thể thao…
Một số dự án hạ tầng lĩnh vực y tế đã được HFIC và các NHTM cho vay hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư |
Vốn tín dụng giữ vai trò quyết định
Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa các NHTM và HIFC, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, “đóng góp của các ngân hàng rất quan trọng và đóng vai trò quyết định” trong việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh không chỉ trong năm 2025 mà cả các năm giai đoạn 2026-2030.
Cụ thể, theo ông Mãi, với quy mô GRDP hiện tại của địa phương là 1,78 triệu tỷ đồng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 là thách thức với TP. Hồ Chí Minh vì cần huy động nguồn vốn rất lớn, khoảng 620.000 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách đầu tư công khoảng 110.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 370.000 tỷ đồng sẽ phải huy động từ các nguồn lực xã hội, bao gồm phần lớn từ vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê của HFIC, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 8/2023/QH15, đến hiện nay riêng về lĩnh vực quản lý đầu tư TP. Hồ Chí Minh đã bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được cho vay ưu đãi. UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt 38 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 3.400 tỷ đồng, tổng số vốn vay được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất là hơn 1.950 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, tổng kinh phí hỗ trợ lãi suất theo nhu cầu của các dự án ước tính khoảng hơn 238 tỷ đồng.
Theo đánh giá của một số chi nhánh NHTM tham gia cho vay hợp vốn với HFIC, so với chương trình cho vay kích cầu đầu tư giai đoạn trước, trong lần triển khai này, các quy trình thủ tục phê duyệt hồ sơ, điều kiện tiếp cận vốn vay được thiết kế đơn giản hơn, các biểu mẫu hồ sơ cũng rõ ràng, chi tiết hơn.
Đặc biệt, tổng mức tối đa các doanh nghiệp, dự án có thể vay được điều chỉnh lên mức 200 tỷ đồng/dự án; mục đích vay bao gồm cả cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị. Trong khi đó không yêu cầu doanh nghiệp phải có vốn đối ứng; đồng thời có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau và kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án cũng như được sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp… Chính vì vậy, khi triển khai trên thực tế, mức độ tiếp cận, đáp ứng các điều kiện được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách sẽ cởi mở hơn; tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV có phương án, dự án tốt nhưng vướng mắc trong dòng tiền lưu động và thiếu tài sản thế chấp để vay vốn tín dụng thương mại.