Nhà ở thu nhập thấp vẫn nhận ưu đãi lãi suất
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP.HCM, tính từ năm 2018 đến thời điểm cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay đối với người mua nhà ở xã hội (theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ) tại hệ thống ngân hàng này trên địa bàn đạt khoảng 150,4 tỷ đồng. Hiện dư nợ của chương trình còn khoảng 122,1 tỷ đồng với 295 khách hàng vay vốn. Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh TP.HCM cho rằng, kết quả này thể hiện sự đồng hành tích cực của ngân hàng đối với hoạt động hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp hiện thực hóa giấc mơ “an cư” với lãi suất vay phù hợp.
Trên cả nước, theo thống kê từ NHNN Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022 toàn hệ thống NHCSXH đã giải ngân được 10.584 tỷ đồng, hiện dư nợ khoảng 9.147 tỷ đồng để cho vay đối với người mua nhà ở xã hội. Trong đó đến cuối quý III năm nay, hệ thống NHCSXH đã giải ngân được khoảng 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Nhưng đến cuối tháng 10/2022 con số này đã đạt mức 3.017 tỷ đồng và 8.379 khách hàng vay. Điều này cho thấy các chính sách thúc đẩy cho vay nhà ở đối với người thu nhập thấp đã phát huy hiệu quả tích cực và có sự tăng trưởng khá nhanh. Với mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, thời gian vay kéo dài 25 năm, đồng nghĩa với việc thời gian qua đã có hàng nghìn tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi đến được tay người mua nhà ở xã hội trong bối cảnh lãi suất cho vay thương mại đối với lĩnh vực bất động sản ở mức cao.
Ảnh minh họa |
Không chỉ tích cực, chủ động cho vay ưu đãi lãi suất đối với người mua nhà, thời gian qua hệ thống NHCSXH tại các địa phương cũng chủ động trong việc tham gia vào hoạt động hỗ trợ nhiều tỉnh, thành triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà giá rẻ.
Chẳng hạn tại Đồng Nai, đầu năm qua địa phương này đã phê duyệt chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, dự kiến sẽ xây dựng 3.500 căn nhà ở xã hội với số vốn đầu tư trên 2.500 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh Đồng Nai được chỉ đạo đồng hành để cho vay ưu đãi lãi suất với người mua nhà tại các dự án này. Trong khi đó, tại TP.HCM, mới đây đã được Bộ Xây dựng bổ sung thêm 6 dự án nhà ở xã hội được vay vốn hỗ trợ 2% lãi suất (theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ) với quy mô trên 3.000 căn. Hệ thống NHCSXH cũng đã chuẩn bị khoảng hơn 30 tỷ đồng, sẵn sàng để cho vay người mua nhà tại các dự án này.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện nay hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất đối với cá nhân để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 31/2022 không gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó có cho vay để cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thì còn nhiều nút thắt về pháp lý và chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách cấp bù cho các NHTM để triển khai kịp thời.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, qua ba lần rà soát, Bộ này đã công bố danh mục bao gồm 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn, với quy mô: 19.897 căn, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng. Ở phía các địa phương, theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng tại các tỉnh, thành như TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Định… các NHTM và NHCSXH đều đã nhận được thông tin về nhu cầu vay, chỉ chờ Trung ương bố trí vốn là có thể giải ngân tạo thêm nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp và hỗ trợ cho vay với người mua nhà.
Riêng về chính sách cho vay ưu đãi người mua nhà ở xã hội (từ gói hỗ trợ ngân sách 15.000 tỷ đồng), theo đại diện Bộ Xây dựng, mới đây sau khi tiếp nhận kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, đánh giá để báo cáo, đề xuất với Quốc hội. Từ đó có thể sẽ mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ lãi suất, góp phần tăng hiệu quả thực tế của các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhằm phục hồi kinh tế, giai đoạn 2022-2023.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, quan điểm điều hành của NHNN hiện nay là kiểm soát chặt chẽ rủi ro đối với lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực về nhà ở. Theo đó, bằng các hình thức kiểm soát gián tiếp thông qua hệ số rủi ro tín dụng, NHNN quy định các khoản cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản của NHTM áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro là 200%, cho vay mua nhà trên 4 tỷ đồng thì hệ số là 150%. Trong khi đó, các khoản cho vay nhà ở xã hội, khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng, thì chỉ áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%.