Giúp người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội
Theo đại diện Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị và NƠXH cho công nhân Khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 100 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Ngoài ra, các địa phương đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, con số này còn thấp so với kế hoạch, mới chỉ đạt 42% so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Mức giá nhà ở xã hội đang vẫn khá cao so với người thu nhập thấp |
Thực tế tại các địa phương cũng cho thấy, số lượng nhà giá thấp dưới 2 tỷ đồng đã giảm mạnh từ năm 2020. Trên thị trường các dự án có căn hộ mức giá dưới 25 triệu đồng/m² còn rất ít. Tại TP. Hồ Chí Minh, hầu như không có dự án căn hộ với mức giá này. Còn tại Hà Nội, có một số ít dự án NƠXH với mức giá dưới 20 triệu đồng/m² đang mở bán ở các khu vực xa trung tâm như ở các huyện Thanh Trì, Đông Anh... Việc đô thị hóa nhanh tuy có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng sức ép gia tăng mật độ dân số cũng kéo theo một số hệ lụy, trong đó có việc các cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị, đặc biệt là nhu cầu của người thu nhập thấp.
Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Chương trình phát triển NƠXH được Chính phủ đặc biệt quan tâm và người dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án nhà ở xã hội. Được biết, một số địa phương khi quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Thậm chí, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án NƠXH.
Ngoài ra, cơ chế chính sách phát triển NƠXH chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong chính sách phát triển NƠXH trong thời gian tới, Bộ Xây dựng báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí thêm nguồn vốn theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ để cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH, ông Dũng cho biết thêm.
Tại hội thảo và lễ bàn giao sản phẩm dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức diễn ra mới đây, ông Kim Youin - Tùy viên xây dựng - giao thông - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, dự án đã triển khai một cách khá toàn diện. Đối tượng hướng tới chính là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất - những người lao động đang rất cần chỗ ở ổn định và cả người thu nhập thấp tại các đô thị. Các chính sách liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là NƠXH cần có thời gian thực hiện lâu dài và có lộ trình cụ thể. Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề này và thời gian tới cần thêm sự đồng hành của cả các địa phương, doanh nghiệp, người dân hưởng ứng tham gia. Đối với các đối tượng hạn chế về tài chính như người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thì Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để giúp họ tiếp cận mô hình NƠXH phù hợp.
Hàn Quốc có thể cung ứng nhà với số lượng lớn trong thời gian ngắn là nhờ phát triển hệ thống cung ứng nhà hiệu quả; đặt trọng tâm vào chế độ tài chính nhà ở. Hàn Quốc thành lập Tổng công ty nhà ở; ngân hàng nhà ở; áp dụng cơ chế đăng ký mua nhà và tiết kiệm; đặc biệt là thành lập quỹ nhà ở đô thị. Với việc áp dụng cơ chế bán trước và bảo lãnh mua nhà, đã huy động được nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng. Cơ chế bảo lãnh mua nhà sẽ tránh được rủi ro trong trường hợp nhà đầu tư vỡ nợ. Đồng thời, thay vì trông chờ vào các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất cần tăng cường vai trò của khu vực công (thành lập và vận hành các tổng công ty nhà ở) trong việc phát triển đất đai và xây dựng NƠXH trên cơ sở cung cấp cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất, ông Kim Youin chia sẻ.