Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tuổi thơ là “cội nguồn sáng tạo”
Những ai theo dõi con đường văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể nhận ra: Sau “Hạ đỏ” và “Bảy bước tới mùa hè”, thì “Mùa hè không tên” là cuốn sách thứ ba có bối cảnh mùa hè của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đọc cuốn sách mới này, độc giả nhận ra nhà văn vẫn lấy cảm hứng từ những điều thân thuộc và gần gũi như: khung cảnh làng quê, trò chơi tuổi thơ, sự rung động đầu đời, bạn bè, trường lớp. Nhưng trong mỗi tác phẩm, nhà văn lại khéo lẹo dựng lên những câu chuyện mới, những xúc cảm lạ. Với tác phẩm lần này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn hướng tới khơi dậy khao khát sống đẹp, sống tử tế nơi người đọc. Điều tài tình chính là với cùng chủ đề, ông có thể kể những câu chuyện khác nhau mà vẫn gợi lên nỗi xúc động nơi người đọc.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt tác phẩm “Mùa hè không tên” |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng, ông có một niềm lưu luyến đặc biệt với mùa hè cũng như tiếng ve, hoa phượng vì sự gắn liền với tuổi học trò. “Nếu không có cành hoa phượng, tôi cũng không biết lấy gì gắn lên chiếc áo tuổi thơ”, nhà văn hóm hỉnh chia sẻ.
Về tên tác phẩm mới ra mắt, Nguyễn Nhật Ánh nói, ông muốn một cái tên không giống với những mùa hè khác trong đời mình, từng dự định đặt là “Mùa hè chia tay”, “Mùa hè ưu tư”, thậm chí là “Mùa hè định mệnh”, hay lãng mạn bay bổng “Mùa hè có mây tím bay”. Tuy nhiên, ông tự cảm thấy không phù hợp, và cuối cùng nhà văn cảm thấy mùa hè đặc biệt của mình không cần một cái tên riêng. Và ông quyết định dừng lại ở cái tựa: “Mùa hè không tên”.
Theo chia sẻ của nhà văn, khi viết “Mùa hè không tên”, ông bị ám ảnh, tiếc nuối với những vui vẻ, rung động thời thơ ấu của mình. Ông cho rằng nhiều năm nay bản thân viết sách để "kéo tuổi thơ gần lại", thỉnh thoảng viết về chủ đề khác để tìm trải nghiệm mới nhưng sau cùng đều quay về “cội nguồn sáng tạo” là tuổi thơ. Điều này cũng nói lên nỗi ám ảnh của nhà văn về thời gian.
Thừa nhận suốt 40 năm nay chỉ "viết đi viết lại" các câu chuyện tuổi thơ, song, Nguyễn Nhật Ánh cho biết, “Mùa hè không tên” không chỉ tập trung vào các nhân vật chính như trong tác phẩm “Mắt biếc” mà còn có nhiều tình tiết nói rõ thân phận những người dân làng Đo Đo. Nhà văn muốn thêu lên bức tranh làng quê thời nhỏ của mình, trong đó mỗi số phận nhân vật là một chỉ màu.
hà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam, hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ với hơn 100 tác phẩm các thể loại. Năm 1984, tác phẩm truyện dài “Trước vòng chung kết” đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả. Kể từ đó, ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như: “Mắt biếc”, “Còn chút gì để nhớ”, “Hạ đỏ”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Chú bé rắc rối”, “Kính vạn hoa”… Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được tái bản liên tục và luôn giữ được độc giả mới lớn qua nhiều thế hệ. |
Lần xuất bản này, “Mùa hè không tên” được NXB Trẻ phát hành 80.000 bản, gồm 60.000 bản bìa mềm và 20.000 bản bìa cứng. Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường vẫn đảm nhận minh họa phiên bản bìa cứng với 25 hình lớn và nhiều hình nhỏ xen kẽ. Với con số 80.000 bản sách cho lần in đầu tiên, có thể thấy, Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ vững thương hiệu “nhà văn ăn khách” trên văn đàn. Trong khi những tựa sách văn học in lần đầu trung bình chỉ một vài nghìn cuốn thì sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn được in và phát hành với số lượng “khủng”.
Theo nhà văn, ông luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. “Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất”, Nguyễn Nhật Ánh nói, và thêm rằng, ông viết sách từ sự ám ảnh tuổi thơ, bạn đọc tìm thấy hình ảnh của chính mình, của thầy cô bố mẹ ông bà mình trong đó, nên các em thích. Còn người đã qua rồi tuổi thơ có đọc thì bắt gặp lại những ký ức của mình, coi như được quay về tắm lại trong dòng sông tuổi thơ, nói một cách văn hóa là như vậy.
Khi được hỏi về cuốn sách sắp tới, ông không tiết lộ vì bị chi phối bởi thời gian... “Ý tưởng trong đầu nhà văn như trái cây, trái nào chín trước sẽ rụng trước”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Ông cũng từng quả quyết, viết sách không có bí quyết gì đặc biệt hết. Vì văn chương là chuyện giấy trắng mực đen, mọi thứ phơi ra dưới ánh mặt trời, và mọi nhà văn đều sử dụng một loại nguyên vật liệu như nhau đó là 24 con chữ cái, và ráp lại theo cách nào đó nó cho ra tác phẩm này, theo cách nào đó nó cho ra tác phẩm khác. “Tôi thích viết văn, giản dị vậy thôi. Tôi viết văn không vì những lý do ngoài văn chương nên tôi không bị mất cảm hứng hay động lực. Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích”, tác giả “Mùa hè không tên” chia sẻ, và thêm rằng: Với ông, văn chương giống như khu vườn. Có người bắt sâu, người trồng hoa, người xới đất… Mỗi người một nhiệm vụ thì khu vườn mới xanh tốt. Tâm tính của ông phù hợp với tuổi thơ nên có thể Nguyễn Nhật Ánh sẽ viết mãi về tuổi thơ. Còn những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm.