Nhạc kịch “thuần Việt”: Hướng đi mới của sân khấu đương đại
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tín hiệu của một con đường sáng cho sân khấu Việt, khi đời sống văn nghệ bước vào thời kỳ “bình thường mới”.
Hâm nóng đời sống văn nghệ và để thu hút khán giả tới rạp, Nhà hát Tuổi trẻ vừa chính thức cho ra mắt vở nhạc kịch “Sóng”. Đây là vở nhạc kịch thuần Việt lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh. Vở nhạc kịch “Sóng” do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm Tổng đạo diễn cùng êkíp dàn dựng khá hùng hậu gồm: Kim Thùy (kịch bản), Nguyễn Triều Dương (đạo diễn nhạc kịch), Đào Duy Anh (đạo diễn sân khấu). Các nhạc sĩ Minh Đạo, Tường Văn, Nam Lee, Huyền Trung, Dương Hùng, Thanh Tâm viết nhạc và phối khí…
Nhân vật Quỳnh (Xuân Quỳnh) và Dương (Lưu Quang Vũ) trong nhạc kịch "Sóng" |
NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết, câu chuyện của “Sóng” bắt đầu khi Xuân Quỳnh là một diễn viên múa 18 tuổi xinh đẹp, hoạt bát, sôi nổi của Nhà hát Ca múa nhạc. Tại đây cô nảy sinh tình yêu trong sáng với anh nhạc công Trọng Khoa (nguyên mẫu người chồng đầu tiên). Hai người kết hôn và sinh một cậu con trai.
Xuyên suốt vở nhạc kịch, êkíp sử dụng lời thoại và các ca khúc được sáng tạo dựa trên các bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như: “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại”... để nói lên tiếng lòng của nhân vật. Những bức thư tình vượt thời gian của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được biên kịch gửi gắm vào vở nhạc kịch, nhằm làm tròn trịa hơn không khí lãng mạn yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.
Điểm đáng chú ý nhất trong dàn dựng của “Sóng” là hình tượng thuyền và biển được khai thác tối đa để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Các bối cảnh, công nghệ và đạo cụ sân khấu như đèn led, màn nhung đen, lụa xanh… cũng được hình tượng hoá để thể hiện rõ nét nhất hai biểu tượng này.
Đảm nhận vai Xuân Quỳnh trong nhạc kịch “Sóng” là diễn viên Thu Thảo - sinh viên Trường Đại học Văn hóa. Thu Thảo cho biết, để có thể hóa thân vào vai diễn, cô đã tìm hiểu rất nhiều về Xuân Quỳnh.
Nói đến nhạc kịch, không thể không nhắc đến phần âm nhạc - linh hồn của vở diễn. Nhạc sĩ Minh Đạo, chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ tham gia viết nhạc và phối khí trong vở nhạc kịch thừa nhận, làm nhạc kịch cho “Sóng” không dễ, vì thơ Xuân Quỳnh quá quen thuộc rồi, áp lực của êkíp là làm nhạc phải mới hơn, cảm xúc hơn, ấn tượng hơn.
Nhạc kịch “Sóng” có hai phần nhạc khí và ca khúc. Với ca khúc, lời là chất liệu văn học từ những bài thơ của Xuân Quỳnh nên có sự thuận lợi nhất định khi viết nhạc. Biên kịch Kim Thùy đã chọn những bài thơ phù hợp với mạch của vở kịch để êkíp chuyển thành âm nhạc.
Đây không phải là lần đầu có một đơn vị nghệ thuật bắt tay dựng nhạc kịch thuần Việt. Trước đó, đời sống văn nghệ trong nước đã đón nhận nhiều vở nhạc kịch như: “Những người khốn khổ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), “Tôi đọc báo sáng nay” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), “Trại hoa vàng” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM)…
Nhạc kịch, từ khi xuất hiện đến nay, vẫn luôn là một loại hình nghệ thuật không dành cho đại chúng. Điều đó đúng, ngay cả với nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta đã có những vở nhạc kịnh có thể nói là kinh điển, như “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chúng ta cũng có một Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, trong đó không ít NSND, NSƯT. Song sân khấu nhạc kịch nhiều thập niên qua vẫn được cho rằng quá vắng lặng.
Lý giải điều nay, có nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể thấy, một trong những nguyên nhân là vấn đề kinh phí dàn dựng một vở nhạc kịch thường đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều về cả công sức, tiền của và thời gian so với một vở kịch bình thường. Lý do ấy khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật, dù “có trong tay” nhiều nghệ sĩ tài năng, cũng không dám “mạo hiểm”. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận, dù chúng ta có những nghệ sĩ tài năng, nhưng khi động đến dàn dựng một vở nhạc kịch thì lại rất bị động, bởi ngoài vấn đề tài chính, còn những lo lắng về nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, họa sĩ thiết kế trang phục… Tiếp đó, công chúng của nhạc kịch ở Việt Nam chưa nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi chờ đợi. Câu chuyện phải xây dựng đội ngũ, phải gây dựng công chúng nhạc kịch bằng việc khiến họ yêu thích, giúp họ có kiến thức nhất định để bước vào thưởng thức một vở nhạc kịch… cần phải được đặt ra. Nói cách khác, phải có kế hoạch, thậm chí là chiến lược.
Chính vì thế, bằng những vở nhạc kịch ra mắt công chúng thời gian gần đây, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của nhiều nhà hát, nhiều nghệ sĩ.
Trở lại với nhạc kịch “Sóng”, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ, Nhà hát Tuổi trẻ đặt mục tiêu xây dựng “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với êkíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt. Đơn vị cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt.
Trong khi đó, NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ: “Ngay khi xem trích đoạn của vở nhạc kịch “Sóng”, tôi nghĩ ngay đến việc phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Chuyện làm một vở nhạc kịch thuần Việt vô cùng khó, vì chính tôi khi công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng suy nghĩ rất nhiều: Rằng có làm được thuần Việt hay không, hay là làm lại mô hình tác phẩm lớn trên thế giới? Để hội tụ được suy nghĩ, góc nhìn của kịch nghệ, thơ ca, tư tưởng thuần Việt đòi hỏi cả êkíp phải có sự sáng tạo đồng bộ. Với nhạc kịch “Sóng”, có thể nói đây là sự cố gắng lớn, là những bước đi mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Ở đây cũng là câu chuyện của sự bài bản khi phải có sự đồng bộ từ đào tạo dàn diễn viên. Vở diễn đã quy tụ được rất nhiều bạn trẻ tham gia và họ phải trải qua 9 tháng từ tập luyện, biểu diễn vô cùng khó khăn. Tôi phải gọi là công trình “Sóng” là bước đầu tiên để phát triển nhạc kịch thuần Việt trong tương lai...