Nhân dân tệ được dự báo sẽ còn giảm giá
Giảm giá mạnh
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lao dốc khá nhanh trong thời gian gần đây do sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Fed đã tăng nhanh lãi suất để kiềm chế lạm phát thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lại có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trong quý II vừa qua, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 2,6% so với quý trước và chỉ tăng trưởng có 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các biện pháp đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã gây nhiều tổn hại đến sản xuất và tiêu dùng; cộng thêm sự yếu kém của thị trường bất động sản - một trong những trụ cột tăng trưởng của nước này.
Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất 14 năm vào ngày 28/9. |
PBoC đã triển khai khá nhiều biện pháp hỗ trợ để vực dậy tăng trưởng. Gần đây nhất, ngày 22/8 PBoC đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm từ 3,7% xuống 3,65% và cắt giảm LPR 5 năm từ 4,45% xuống 4,3% nhằm kéo giảm chi phí vay mượn cũng như vực dậy thị trường bất động sản khi mà LPR 5 năm được dùng để tham chiếu cho lãi suất cho vay thế chấp.
Chính sự phân kỳ chính sách này, cộng thêm triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế Trung Quốc đã khiến cho nhân dân tệ lao dốc khá nhanh. Theo đó từ giữa tháng 8 đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 7%, rơi xuống mức thấp nhất trong 14 năm là 7,25 CNY/USD vào ngày 18/9.
Để làm chậm lại đà giảm của đồng nội tệ, PBoC đã triển khai một loạt các biện pháp, từ việc ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày giữa nhân dân tệ so với USD ở mức cao hơn thực tế, hay yêu cầu các ngân hàng quốc doanh chuẩn bị bán USD, cho tới các biện pháp hành chính nhằm làm tăng chi phí bán khống đồng nhân dân tệ.
Điều đó đã giúp đồng nhân dân tệ lấy lại một số giá trị đã mất. Cuối tuần trước, đồng nhân dân tệ được giao dịch quanh mức 7,12 CNY/USD.
Theo các nhà phân tích, hiện các quan chức Trung Quốc đang muốn ngăn lại đà lao dốc của đồng nội tệ, nhất là khi Đại hội Đảng Trung Quốc đang tới gần. Bên cạnh đó sự lao dốc của đồng nhân dân tệ cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra bất ổn tài chính do sự tháo chạy của dòng vốn. Trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 8. Bên cạnh đó, sự giảm giá của nhân dân tệ cũng khiến PBoC phải thận trọng hơn trong việc triển khai các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Có thể còn giảm tiếp
Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng nước này sẽ cố giữ nhân dân tệ ở một mức giá cụ thể nào, trái ngược với hai lần gần đây nhất khi đồng nhân dân tệ vi phạm ngưỡng tâm lý 7 CNY/USD vào năm 2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên tới đỉnh điểm và năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc.
Chưa kể sự suy yếu của nhân dân tệ cũng mang lại một số lợi ích như thúc đẩy xuất khẩu. Hơn nữa, sự suy yếu của nhân dân tệ trước USD vẫn còn kém xa so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác như đồng euro hay yên Nhật. Điều đó giữ cho đồng nhân dân tệ chỉ giảm 1,4% kể từ đầu năm so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chính.
“NHTW cần cân bằng giữa việc hướng tới thị trường và đảm bảo sự ổn định tài chính”, Ju Wang - Trưởng bộ phận ngoại hối và chiến lược tỷ giá tại Trung Quốc đại lục của BNP Paribas cho biết.
Bên cạnh đó theo các nhà phân tích, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố họ muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nên họ không kiểm soát giá trị dài hạn của đồng nhân dân tệ, mà chủ yếu ngăn chặn sự sụt giá đột ngột trong ngắn hạn có thể phá vỡ nền kinh tế và vốn của nước này.
Bởi vậy các nhà phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu hơn nữa trong những tháng tới. "Xem xét sức mạnh của đồng đôla, hiện chúng tôi kỳ vọng (nhân dân tệ) sẽ giao dịch quanh mức 7,40 vào khoảng tháng 10 và tháng 11", SEB cho biết.
Trong khi ANZ và Goldman Sachs cũng dự báo đồng nhân dân tệ sẽ giao dịch quanh mức 7,20 CNY/USD trong vòng ba tháng tới hoặc lâu hơn, với rủi ro nghiêng về mức tỷ giá cao hơn; còn Citi thì dự báo đồng nhân dân tệ có thể giảm xuống mức 7,3 CNY/USD trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên.
“Mặc dù các nhà chức trách sẽ muốn duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái, nhưng chênh lệch lợi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể chứng kiến sự suy yếu của đồng nhân dân tệ tái xuất hiện vào cuối năm nay”, Khoon Goh - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ cho biết.