Tín dụng hợp lực thúc đẩy đào tạo nghề
Hỗ trợ giáo dục và hướng nghiệp cho sinh viên | |
Phát triển đào tạo nghề: Thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên | |
Đào tạo nghề: Đặt trọng xã hội hóa |
Nhìn ở góc độ nhu cầu vốn đối với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, có thể xem Văn bản 5772 mà NHNN vừa ban hành là một chỉ đạo kịp thời và trúng thời điểm. Bởi tính đến cuối năm 2019, sau 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956) mặc dù có nhiều nỗ lực từ các bộ, ngành và địa phương, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ cho dự án này trên địa bàn cả nước mới chỉ đạt khoảng 65,8% so với kế hoạch dự kiến (tương đương khoảng 17.100 tỷ đồng). Số vốn Trung ương bố trí cho đề án cũng chỉ đảm bảo khoảng 50% so với thông báo ban đầu của Bộ Tài chính (tương đương khoảng 7.400 tỷ đồng).
Ảnh minh họa |
Số vốn ngân sách ít ỏi kể trên rải đều trong suốt 10 năm ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác đào tạo nghề những năm vừa qua tại Việt Nam là khá thấp và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu học nghề, nâng cao chuyên môn của người lao động. Chưa kể rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 số lượng lao động mất việc làm, có nhu cầu học nghề mới hoặc nâng cao tay nghề để bám trụ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng lên.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong các năm 2020-2022, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tuyển mới 815.000 – 817.000 lao động có tay nghề mỗi năm. Chính vì vậy việc khuyến khích, bổ sung nguồn lực tài chính hỗ trợ đào tạo nghề là cần thiết và vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Quan sát của Thời báo Ngân hàng cho thấy, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương thông qua Đề án 1956 cũng như các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thì hiện nay nguồn tín dụng từ hệ thống NHTM và NHCSXH cũng là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo nghề. Thống kê của NHCSXH cho thấy, những năm vừa qua, dư nợ cho vay hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm có sự tăng trưởng khá mạnh. Kết thúc năm 2019, toàn hệ thống NHCSXH trên cả nước đã cho vay hơn 21.700 tỷ đồng đối với chương trình tín dụng giải quyết việc làm (tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với 2018). Trong khi đó, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020 nguồn vốn vay từ NHCSXH cũng đã hỗ trợ vốn tạo việc làm cho gần 216.000 lao động và giúp gần 9.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập.
Các địa phương cũng tích cực vào cuộc. Tại TP.HCM, mới đây (tháng 7/2020) với sự ủy thác nguồn vốn từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách, chi nhánh NHCSXH tại TP.HCM đã rất tích cực trong hoạt động cho vay đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công nhằm đào tạo nghề ngắn hạn, tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Tính đến hiện nay, các đơn vị thuộc NHCSXH tại TP.HCM đã cho vay đối với khoảng 200.000 học sinh, sinh viên, học viên tại các trường trung cấp, sơ cấp nghề với dư nợ trên 300 tỷ đồng. Trong khi đó, tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với Viện Khoa học Hàng không Việt Nam đưa ra đề án hỗ trợ đào tạo nghề (hỗ trợ tài chính và bảo lãnh vay vốn ưu đãi lãi suất) cho 37.000 người bị ảnh hưởng từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Từ phía các NHTM, ghi nhận đến thời điểm hiện tại cũng đã có một số đơn vị tham gia vào hoạt động cho vay hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đơn cử như VPBank hiện đang hợp tác với VTC Academy triển khai gói vay lãi suất 0%, tài trợ 70% vốn cho các học viên tham gia khóa học nghề theo yêu cầu của DN. VIB cũng đã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch TPHCM – CET để đưa ra chương trình cho vay trả góp lãi suất 0% đối với các học viên tham gia học nghề tại trường này. Phía Agribank thì nhiều năm nay vẫn duy trì gói vay hỗ trợ học sinh, sinh viên với mức vay tối thiểu 80% học phí khóa học và lãi suất 0,65%/tháng…
Tất cả những diễn biến trên cho thấy, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống TCTD và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN, chắc chắn trong thời gian tới nguồn vốn cho lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ có sự khởi sắc hơn, đáp ứng phần nào nhu cầu tài chính, tháo gỡ những điểm nghẽn về nhân lực, cân bằng chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề với sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao như hiện nay.