Nhiều ngân hàng "rục rịch" tăng lãi suất tiết kiệm
Ảnh minh họa |
Ngày 23/9, NHNN đã ban hành Quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của NHNN trong vòng 2 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, quyết định này cho thấy NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ phù hợp và kịp thời để ứng phó với biến động của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; đồng thời tránh tạo ra khoảng cách quá lớn so với mặt bằng chung với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế, quyết định này đã ngay lập tức tạo nên nhiều tác động đến nền kinh tế, trong đó có lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng. Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, nhiều ngân hàng đã "rục rịch" tăng lãi suất huy động.
Đơn cử, sau khi NHNN công bố tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, áp dụng cho gói tiết kiệm ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 6,1-6,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng dao động từ 6,3-6,6%/năm… Đáng chú ý, tại kỳ hạn 15-16 tháng của sản phẩm "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên tới 7,3%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng thêm 0,8-0,9%/năm so với trước đó, lên dao động từ 4,38-4,9%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, ngân hàng này tăng thêm 0,4-0,5%/năm lên dao động từ 5,73-7,35%/năm, trong đó lãi suất cao nhất là 7,35%/năm (tăng 0,65%) áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên. Mức lãi suất cao nhất 8,1%/năm dành cho khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi Phát lộc với kỳ hạn 8 năm và 7,9%/năm cho sản phẩm này kỳ hạn 6 năm.
Cùng với việc tăng lãi suất, một số ngân hàng cũng áp dụng các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm từ nay đến cuối năm. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) vừa áp dụng tăng mức lãi suất từ 0,3-1%/năm ở một số kỳ hạn, đồng thời dành chương trình ưu đãi vàng cho khách hàng. Cụ thể, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp mở mới hoặc tái tục tài khoản tiết kiệm tại quầy hoặc trực tuyến và lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lên tới 7,4%. Đối với phương thức lãnh lãi hàng tháng, ngân hàng cũng áp dụng mức cao nhất cho cùng kỳ hạn chạm ngưỡng 7,2%.
Luôn vì mục tiêu kiểm soát lạm phát
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90-110 điểm cơ bản (0,9-1,1 điểm phần trăm). Các thay đổi này cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Dự báo trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 150-200 điểm cơ bản (1,5-2 điểm phần trăm) trong cả năm nay; lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và duy trì trên ngưỡng 4%/năm.
Cùng chung nhận định về xu hướng tăng lãi suất, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022, trong đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) có thể tăng lên 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022.
"Đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì sang đến năm 2023 do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và các ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ", VNDIRECT dự báo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo lắng việc tăng lãi suất có thể gây nên một số “cú sốc” cho nền kinh tế, như kéo lãi suất cho vay tăng, khiến người dân và doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Ở điểm này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định, quyết định tăng lãi suất của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Dù tăng lãi suất nhưng NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, đại diện một ngân hàng còn khẳng định, việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay. Khi lãi suất tiết kiệm tăng sẽ kích thích lượng tiền gửi từ người dân vào ngân hàng, bảo đảm thanh khoản dồi dào, ngân hàng có thêm nguồn lực cho vay khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngoài ra, lượng tiền gửi tăng cao sẽ giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, hóa giải áp lực chi phí hoạt động, ổn định lãi suất cho vay...