Nhiều yếu tố hỗ trợ ngân hàng hút vốn ngoại
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất định thì việc nâng cao năng lực tài chính giảm thiểu những thiệt hại từ những tác động bên ngoài cũng như nội tại là điều mà các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai. Bán vốn cho NĐT ngoại luôn là lựa chọn ưu tiên của nhiều ngân hàng. Nhất là thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng có bước tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay là động lực để các ngân hàng đẩy nhanh hơn việc bán cổ phần cho NĐT ngoại. Bởi nhiều thương vụ từ những năm trước chưa thể hoàn tất một phần do giá cổ phiếu ngân hàng bị sụt giảm.
Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024. Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, nhưng chưa được triển khai do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi. Tại Đại hội năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024. Các NĐT nóng lòng kỳ vọng thương vụ này khi các điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán đang thuận lợi.
Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phần cho NĐT ngoại |
Ở khối tư nhân, nhiều ngân hàng cũng đã đánh tiếng về kế hoạch bán vốn ngoại. Chia sẻ tại cuộc gặp với các NĐT mới đây, lãnh đạo HDBank cho biết, ngân hàng này đã có những chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. “Kế hoạch bán vốn cho NĐT chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được đối tác phù hợp”, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Tương tự, ngay sau khi đưa cổ phiếu chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ Nam A Bank sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% để thu hút thêm vốn ngoại. Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm được NĐT phù hợp.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng SeABank sớm tái khởi động trở lại kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT nước ngoài sau khi tạm dừng kế hoạch này hồi tháng 11/2023. Trước đó, vào tháng 7/2023, SeABank đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 94 triệu cổ phiếu SSB cho quỹ đầu tư Norwegian Investment Fund (Norfund) thuộc Chính phủ Na Uy.
Báo cáo Chiến lược Đầu tư năm 2024 của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) mới đây nhận định, các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2024…
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi ngoài năng lực tài chính được cải thiện rõ rệt, uy tín, thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục được nâng hạng. Brand Finance vừa công bố top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất trên toàn cầu năm 2024 thì Việt Nam có sự góp mặt của 15 ngân hàng. Trong đó có 3 gương mặt mới là TPBank, LPBank và MSB. Mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's nâng bậc cho một số nhà băng như Sacombank, Techcombank… Việc các ngân hàng Việt “ghi điểm” với các tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế, theo TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, sẽ giúp ngân hàng kêu gọi vốn NĐT chiến lược nước ngoài thuận lợi. “Khi NĐT nước ngoài muốn đầu tư tại thị trường nào đó đều phải thu thập toàn bộ dữ liệu báo cáo đánh giá tín nhiệm. Việc các ngân hàng Việt tiếp tục được nâng hạng tín nhiệm sẽ thay đổi cách nhìn của NĐT theo hướng tích cực hơn. Theo đó, quyết định đầu tư của NĐT được đưa ra nhanh chóng, dễ dàng hơn thay vì họ phải cân nhắc nhiều giữa lợi ích và rủi ro”, TS. Linh nhận định.
Giới chuyên môn đánh giá, chất lượng ngân hàng cũng như cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài, nhất là các NĐT đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam. Ngoài nâng hạng tín nhiệm, để hút được NĐT ngoại, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng cần tăng tính minh bạch tài chính, nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro… Từ đó củng cố lòng tin của các NĐT yên tâm “xuống tiền”.
Ở góc độ vĩ mô, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với tình hình thực tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn. Từ đó tạo dựng niềm tin cho các NĐT về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) từng khẳng định, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vô cùng vững chắc, điều này thúc đẩy hoạt động M&A tiếp tục sôi động trong đó có lĩnh vực tài chính.
Với sự tham gia của các NĐT nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh, vốn ngoại còn giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hóa chi phí, tăng thêm hiệu quả hoạt động. “Thực tế, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, tăng vốn và tìm nguồn lực nước ngoài là một xu hướng tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel III…”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Phải khẳng định, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, khi nước ta có kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt, sức khỏe, tín nhiệm ngân hàng được cải thiện… là yếu tố rất tích cực để ngân hàng hút vốn ngoại. Nhưng trong thời điểm hiện nay, kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, lượng vốn khan hiếm nên các NĐT cũng cân nhắc cơ hội đầu tư. Vì vậy, thời gian tới cũng chưa thể kỳ vọng có sự đột phá vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam mà có thể phải đợi đến khi kinh tế toàn cầu trở về trạng thái ổn định hơn, vốn ngoại sẽ quay trở lại với Việt Nam mạnh hơn.