NHTW Nhật giữ nguyên chính sách kích thích và có thể duy trì khá lâu
Ứng cử viên Phó thống đốc BOJ cảnh báo việc thoát khỏi nới lỏng quá sớm | |
Thống đốc BOJ phát tín hiệu sẽ kết thúc chính sách nới lỏng | |
Quan chức NHTW Nhật cảnh báo việc sớm rút khỏi chính sách nới lỏng |
Ngân hàng Trung ương Nhật - BOJ |
Theo đó, BOJ hôm nay (9/3) đã giữ nguyên các thiết lập kiểm soát đường cong lợi suất và chương trình mua sắm tài sản, một dự báo kết quả đã được tất cả các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo.
Với mức lạm phát vẫn còn cao so với mục tiêu 2% của BOJ, Kuroda đã tuyên bố rõ ràng trong các cuộc điều trần xác nhận trong tuần này rằng “nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ” sẽ tiếp tục được duy trì trong một thời gian. Hai Phó thống đốc mới dự kiến sẽ tham gia vào hội đồng chính sách của BOJ vào cuối tháng này cũng đã xác nhận cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Điều này khiến BOJ tụt lại xa hơn so với các NHTW lớn khác trên toàn cầu, khi các NHTW này hoặc đang tăng lãi suất, hoặc đang tiến tới bình thường hóa chính sách. Đáng chú ý NHTW châu Âu hôm thứ Năm đã bất ngờ bỏ cam kết có thể mở rộng chương trình mua trái phiếu cả về quy mô và thời gian nếu nền kinh tế suy thoái.
Với sự mạnh lên của đồng yên Nhật đang đe dọa tới lạm phát, các nhà kinh tế đã đẩy lui thời điểm mà họ dự báo là sẽ có thay đổi đối với chương trình kích thích của BOJ. Đồng yên Nhật đã tăng khoảng 5% trong năm nay và tuần trước nó đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2016.
“Đồng thuận là họ (BOJ) sẽ giữ nguyên chính sách không thay đổi không chỉ trong thời gian này mà còn trong một khoảng thời gian nữa”, Maiko Noguchi - một nhà kinh tế học cao cấp tại Daiwa Securities Co. và là một cựu quan chức của BOJ nói. “Tiêu điểm tiếp theo sẽ là việc những gương mặt mới sẽ ảnh hưởng thế nào và thay đổi cơ chế ra sao”, bà nói.
Trong tuyên bố chính sách của mình, BOJ một lần nữa cho biết, kỳ vọng lạm phát “ít nhiều không thay đổi”. Họ cũng lặp lại quan điểm cho rằng nhu cầu trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng, với lạm phát tăng lên 2%, chủ yếu là do sự gia tăng khoảng cách sản lượng và kỳ vọng lạm phát trung và dài hạn cao hơn. Đầu tư nhà ở đã giảm, theo thông cáo của BOJ.
Kết luận chính sách của BOJ được đưa ra với 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống và Goushi Kataoka là thành viên duy nhất một lần nữa phản đối. Kataoka cho rằng, ông thấy thời điểm này ít có khả năng lạm phát sẽ tăng lên 2% và hối thúc tăng cường nới lỏng hơn nữa.
Còn nhớ Thống đốc Kuroda đã kích động thị trường tuần trước – góp phần đẩy đồng yên tăng mạnh - khi ông nói với các nhà lập pháp rằng trong khoảng năm 2019, BOJ sẽ bắt đầu suy nghĩ về một chiến lược rút lui khỏi các biện pháp kích thích. Nhưng điều này chỉ xảy ra với giả định mục tiêu lạm phát sẽ đạt được, và điều mà ông không đề cập đến là 7 trong số 9 thành viên của Hội đồng chính sách hiện tại xem rủi ro với dự báo lạm phát của mình như nghiêng về xu hướng giảm.
Hơn 90% các nhà phân tích được khảo sát bởi Bloomberg không tin rằng BOJ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát theo khung thời gian mà họ đã xác định là vào khoảng năm tài chính 2019.
Với chính phủ liên minh của Thủ tướng Shinzo Abe nắm đa số trong quốc hội, các nhà lập pháp gần như chắc chắn sẽ thông qua việc tái bổ nhiệm Kuroda thêm một nhiệm kỳ nữa, cũng như thông qua Masayoshi Amamiya - một kiến trúc sư chính sách của BOJ và Masazumi Wakatabe – một người ủng hộ nới lỏng - làm Phó Thống đốc.
Lạm phát tại Nhật vẫn rất yếu ớt bất chấp nền kinh tế đã duy trì đà tăng trưởng trong 8 quý liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 2,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1993. Lạm phát lõi (loại trừ lương thực tươi sống) chỉ tăng 0,9% trong tháng Giêng.
Xuất khẩu đã trở thành động lực cho sự phục hồi của Nhật Bản và BOJ đã nâng đánh giá của mình về các nền kinh tế ở nước ngoài trong tuyên bố của mình, mô tả các nền kinh tế bên ngoài tiếp tục phát triển vững chắc trên toàn bộ. Tuy nhiên, nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang phủ một bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.