Nhu cầu vốn tăng theo đà tăng trưởng kinh tế
Khơi thông thị trường vốn nợ MSB hỗ trợ 95% nhu cầu vốn cho khách hàng vay mua nhà Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho khu vực “tam nông” |
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn tiết kiệm gần 2%
Đầu tháng 9, Sacombank công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 7,1%/năm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất được tính trên lãi suất thị trường. Chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng này có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất trả theo từng năm, vốn gốc sẽ trả toàn bộ vào năm cuối cùng và không tái tục. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của Sacombank đang cao hơn lãi suất tiền gửi dài hạn kỳ hạn 24-36 tháng mà ngân hàng này đang áp dụng là 5,7%/năm. Pvcombank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 8%/năm cho kỳ hạn 85 tháng. Chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng này mệnh giá 10 triệu đồng, ngân hàng trả lãi trước định kỳ hàng tháng cho khách hàng. Tổng giá trị phát hành chứng chỉ tiền gửi của Sacombank và Pvcombank lần này lần lượt là 5.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Trước đó, BVBank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho cá nhân cũng có thể lĩnh lãi theo tháng hoặc lĩnh lãi theo từng năm. Theo đó, mức lãi suất 5,4%/năm với kỳ hạn 15 tháng, 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng, 4,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Sau khi kết thúc kỳ hạn gửi, nếu khách hàng không kịp đến BVBank thanh toán vào ngày đáo hạn, hệ thống BVBank sẽ tự động chuyển toàn bộ gốc lãi sang giữ hộ chờ khách hàng đến làm thủ tục nhận gốc, lãi. VietinBank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá tối thiểu 1 tỷ đồng, tối đa 30 tỷ đồng.
Chứng chỉ tiền gửi là một trong những hình thức thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi tạo thêm lựa chọn cho khách hàng, nhất là những người có nguồn tiền nhàn rỗi thời gian dài có thể thu lợi cao hơn.
Ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao tranh thủ huy động vốn dài hạn |
Ngân hàng tranh thủ huy động vốn dài hạn
Chứng chỉ tiền gửi là một sản phẩm giấy tờ có giá. Do kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi thường dài hơn kỳ hạn của tiền gửi tiết kiệm thông thường nên lãi suất cũng cao hơn. Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài nên các NHTM sẽ có những hoạt động mua lại khi chưa đến kỳ đáo hạn, tạo sự dễ dàng mua bán, chuyển nhượng cho người sở hữu. Đặc biệt, người cầm chứng chỉ tiền gửi còn có thể cầm cố, thế chấp tại chính NHTM phát hành để ứng vốn sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Ngoài sự an toàn như gửi tiết kiệm, người sở hữu chứng chỉ tiền gửi sẽ nhận được mức sinh lời ổn định trong một giai đoạn; và khác với trái phiếu doanh nghiệp nhà đầu tư không bị đánh thuế thu nhập cá nhân.
Về phía ngân hàng, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi còn góp phần gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn của ngân hàng. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng thuận lợi hơn so với phát hành trái phiếu. Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nên nhiều ngân hàng tranh thủ phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để huy động vốn trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế. Đặc biệt theo quy định hiện nay các NHTM chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng ở mức 28,28% ở thời điểm 30/4/2024. Trong đó nhóm NHTM có vốn nhà nước chi phối tỷ lệ này ở mức 23,59%, nhóm NHTMCP ngoài nhà nước ở mức 40,36%. Cùng với đó, nguồn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng có đến 80% là tiền gửi ngắn hạn.
Các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao còn làm đa dạng thêm sản phẩm huy động vốn để thu hút tiền gửi của người dân vào ngân hàng khi các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, vàng… từ đầu năm đến nay cạnh tranh mạnh mẽ với tiền gửi ngân hàng. Với mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện nay xoay quanh ngưỡng 5,7%/năm đến dưới 6%/năm thì lãi suất chứng chỉ tiền gửi dài hạn ở mức 7-8%/năm khá hấp dẫn, thuận lợi cho ngân hàng tăng cường huy động vốn phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng đang tăng mạnh trở lại trong tháng 7 và 8.
Mới nhất, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm nay sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Các chuyên gia kinh tế, cho rằng, nguyên lý căn bản, khi kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và ở chiều ngược lại tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, điều này có thể thanh khoản hệ thống đang có sự phân hoá mạnh giữa các NHTM.