Nhức nhối chiêu thức lừa đảo mới
Cảnh giác thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn lừa đảo | |
Phòng ngừa gian lận, lừa đảo giao dịch điện tử: Nhận thức đúng, đủ | |
Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, giả danh cán bộ ngân hàng |
Hàng tỷ đồng bị chiếm đoạt
Từng là nạn nhân của hình thức lừa đảo bằng hình ảnh chuyển tiền giả, chị Đồng Văn Nguyên (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết, trong thời gian nghỉ làm để phòng chống dịch Covid-19, chị chuyển sang bán hàng online. Lượng tiền ra vào tài khoản ngân hàng thường xuyên cùng với lượng khách sỉ, lẻ nhiều nên chị rất khó kiểm soát.
Trong một lần nhận đơn hàng của khách hàng có địa chỉ ở Bắc Kạn, chị Nguyên vui mừng vì có được khách hàng xởi lởi lấy đơn hàng 8 triệu mà không cần mặc cả, trả tiền luôn bằng hình thức chuyển khoản và giao hàng cho "ship ruột" của khách. Đúng ngày hẹn chị giao đầy đủ hàng theo đơn đặt và nhận được hình ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển tiền thành công của khách. Dù chưa thấy tài khoản thông báo cộng số dư nhưng chị vẫn yên tâm. Đến cuối tháng, cộng thu chi kinh doanh chị thấy hụt mất 8 triệu nên vào kiểm tra lại lịch sử chuyển/nhận tiền thì mới phát hiện mình bị lừa chính ở lần giao dịch đó.
Cũng với hình thức này, mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã tạm giam đối tượng Đào Thị Duyên (phường Hưng Phúc, TP. Vinh) do bị cáo buộc làm giả hình ảnh chụp màn hình chuyển tiền qua internet banking để chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng. Theo điều tra, đối tượng trên tham gia chơi 23 nhóm phường góp tiền do nạn nhân làm chủ. Hình thức góp tiền là chuyển khoản qua ngân hàng nên Duyên thường xuyên gửi hình ảnh giả đã chuyển tiền cho nạn nhân vào nhóm phường khiến nhiều người nghĩ đã nộp tiền đầy đủ hàng tháng. Đến tháng 9/2021, nạn nhân phát hiện bất thường trong tài khoản ngân hàng nên kiểm tra mới biết đối tượng trên chưa hề chuyển tiền.
Trước đó, Công an quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) cũng đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Bích (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) về hành vi lừa đảo với chiêu thức tương tự. Đối tượng chiếm hàng trăm triệu đồng qua việc mua thiết bị gia dụng như máy sấy tóc, máy lọc không khí, dầu gội đầu cao cấp... trên mạng xã hội. Qua đấu tranh, đối tượng đã thừa nhận do đang cần tiền để trả nợ nên đã nảy sinh ý định mua hàng online, làm giả các hóa đơn chuyển khoản ngân hàng rồi lấy hàng về bán lấy tiền trả nợ.
Đáng chú ý, dịch vụ chỉnh sửa ảnh chuyển khoản của ngân hàng “tiếp tay” cho những đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên đang hoạt động công khai và được “chạy” quảng cáo một cách rầm rộ trên mạng xã hội. Chủ một tài khoản nhận chỉnh sửa ảnh chuyển khoản của ngân hàng cho biết, các chi tiết trên ảnh chụp chuyển khoản như số tài khoản, chủ tài khoản, số tiền… sẽ được làm đúng theo yêu cầu của khách. Giá mỗi ảnh chỉnh sửa chỉ từ 50.000 đồng, khách hàng quen làm dịch vụ từ 20 ảnh trở lên sẽ chiết khấu 5%. Thời gian nhận ảnh đã chỉnh sửa nhanh nhất là 30 phút, trả ảnh qua zalo, sửa đến khi nào khách ưng thì thôi.
Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến
Trước tình trạng trên, không ít ngân hàng đã phát đi cảnh báo để khách hàng đề cao cảnh giác. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, gần đây trong các giao dịch mua bán dân sự xuất hiện hình thức lừa đảo mới, theo đó kẻ lừa đảo giả mạo màn hình xác nhận giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng điện tử, sau đó chụp gửi hình ảnh này tới người bị hại để yêu cầu nạn nhân chuyển hàng để hoàn thành giao dịch mua bán. Do vậy, ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác với hành vi lừa đảo này. Với những giao dịch lạ, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, khách hàng cần kiểm chứng việc nhận tiền thực tế (qua tin nhắn SMS Home Banking) hoặc kiểm tra với tổng đài ngân hàng để xác thực giao dịch.
Cùng chung khuyến cáo này, đại diện một ngân hàng khác cho biết, hiện nay phần lớn các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 thông qua mobile banking và internet banking, nhờ đó khách hàng có thể nhận được tiền chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng ngay lập tức vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ. Vì vậy, khách hàng nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công. Trong trường hợp, có ảnh chụp màn hình giao dịch nhưng khách hàng chưa nhận được tiền có thể gọi điện cho số hotline hoặc ra điểm giao dịch gần nhất gặp nhân viên của ngân hàng để hỗ trợ kiểm tra trạng thái tài khoản trước khi giao hàng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, cảnh giác là một chuyện nhưng chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi lừa đảo mới thực sự tránh được rủi ro. Theo đó, người dân, nhất là người bán hàng online cần trang bị cho mình kiến thức về giao dịch, thanh toán qua ngân hàng; thường xuyên cập nhật các phương thức và thủ đoạn lừa đảo được ngân hàng khuyến cáo. Cùng với đó, trang bị những kỹ năng về phân tích tâm lý khi thực hiện giao dịch cũng là yếu tố để người dân chủ động phòng tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, hành vi chỉnh sửa ảnh chuyển khoản ngân hàng là vi phạm pháp luật. Theo đại diện Văn phòng Luật sư Giang Thanh, những hoá đơn chuyển khoản được coi là tài liệu của ngân hàng. Nếu người sử dụng hoá đơn đã chỉnh sửa với mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi chỉnh sửa hoá đơn chuyển khoản có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.