Những 'Bài ca Hà Nội' còn mãi với thời gian
Bài hát “Bài ca Hà Nội” được nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác giữa những năm tháng đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá Hà Nội, cả Thủ đô hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng. Giữa không khí ấy, hàng loạt bài hát đã ra đời nhưng Bài ca Hà Nội của Vũ Thanh đã vượt trội để sống mãi với thời gian:
“Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng, Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…”.
Ảnh minh họa |
Bài hát nghe cứ cuồn cuộn trào dâng, vừa sục sôi, khẩn trương, lại có vẻ thanh thản đàng hoàng, quả là biểu hiện được cái thần thái của đất Thăng Long văn hiến - xứ sở hào hoa bước vào cuộc chiến đấu bất tử. Người Hà Nội vốn dĩ luôn như vậy. Có thể rất vất vả gian truân, có thể kề bên và sẵn sàng lao vào cái chết để dành chiến thắng bất cứ lúc nào, nhưng lại luôn nhẹ nhàng, ung dung, thanh thản. Hãy nghe kỹ từ bắt đầu rồi đổ về cái nốt nhạc ứng với tiếng nức trong đoạn mở đầu bài hát vừa dẫn ở trên, ta sẽ cảm nhận rõ điều đó.
“Ơi cô gái! Súng trên vai sao vuông đầu mũ. Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng. Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang. Những hôm miệt mài trên bãi tập, chiến công này hẳn có tay em…”.
Ai đã từng sống những ngày tháng 1966, 1967 ở Hà Nội mới càng thấy hết vẻ đẹp và giá trị của bài hát xuất sắc này. Khi mà giai điệu của bài hát trên vẫn đang còn âm vang trong lòng người nghe bởi những kỷ niệm của Thủ đô anh hùng vẫn chưa lùi xa vào dĩ vãng.
Lời ca nét nhạc sôi nổi hào hùng, lúc nhẹ nhàng tha thiết làm xao xuyến mỗi người chúng ta nhớ về Hà Nội nhẹ nhàng trong nắng mùa thu, nhưng đầy sự kiên cường trong lửa đạn chiến đấu để bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Năm 1981, người ta lại nghe được một bài ca đầy sức quyến rũ về chính mảnh đất ấy. Đó là bài Hà Nội mùa Thu đã có vô vàn thơ văn, nhạc, họa nói về mùa thu. Và cũng không hiếm bài hát viết về mùa thu Hà Nội. Dễ hiểu bởi mùa thu chứng kiến hai sự kiện lịch sử của Hà Nội: Cách mạng tháng 8/1945 và tháng 10/1954 tiếp quản Thủ đô. Đến hôm nay, Vũ Thanh đã để lại trong trái tim người nghe, bền vững và mãnh liệt, dai dẳng và tha thiết. Mùa thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa vĩnh hằng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Mùa thu ngày hôm nay trong cảm nhận của đôi lứa (dưới hình thức một bài ca) không còn khói lửa đạm bom của ngày hôm qua mà lắng đọng suy tư, thanh bình, bâng khuâng, xao xuyến.
Hà Nội mùa thu đích thực là một bản tình ca ở sự chân thành, sâu sắc, ở cái không khí của bài hát, cái giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt, mê say chỉ có trong tình yêu. Còn ai đó muốn chờ đợi cái cụ thể của tình yêu thì đây: “Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì”. Chỉ có điều đôi lứa này đã suy nghĩ đến những điều không vụn vặt, tầm thường, riêng tư mà nghĩ đến những điều lớn lao hơn, liên quan đến nhiều người, đến cuộc đời mà từ đó mới có họ. Đó cũng chính là đặc điểm của những bản tình ca có trong kho tàng âm nhạc truyền thống và ca khúc cách mạng.
Vũ Thanh người nhạc sĩ tài hoa sáng tác nhiều bài hát hay về Hà Nội. Quê ông xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm Hà Nội. Ông đã đi xa nhiều năm nay. Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng tám và Quốc Khánh 2 tháng 9, chúng ta lại bùi ngùi nhớ đến ông đã sáng tác ca khúc hay về Hà Nội. Xin thắp cho ông một nén nhang nhớ tới ông người nhạc sĩ tài hoa đã góp phần không nhỏ trong nền âm nhạc nước nhà.