Những kịch bản cho lạm phát năm 2021
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô | |
Cần cẩn trọng với áp lực lạm phát | |
Lạm phát vẫn an toàn trong dư địa hẹp |
Nhận định của Viện trưởng Nguyễn Bá Minh dựa trên 3 dự báo cơ bản. Thứ nhất, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắcxin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục; nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục như kỳ vọng nên giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh.
Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần ổn định.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả |
Thứ ba, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra...
Cũng cho rằng lạm phát sẽ được kiểm soát trong mức Quốc hội cho phép nếu có sự phối hợp điều hành tốt, nhưng TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính lưu ý, trong năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ có vắcxin, đồng thời kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, “với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước đang ở mức rất thấp là 0,19%, lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ không thể cao, nhất là khi kinh tế trong năm 2021 sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn”, TS. Độ dự báo.
Vị chuyên gia này giả định, lạm phát cơ bản tăng trung bình 0,23%/tháng, tương đương với mức tăng của năm 2019 - là năm trước khi xảy ra bệnh dịch, đồng thời giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng nhẹ, CPI so với cùng kỳ năm trước của tháng 12/2021 sẽ tăng khoảng hơn 3%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng hơn 2%. “Trong trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%”, TS.Nguyễn Đức Độ lưu ý.
Trong khi đó, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản lạm phát năm 2021 với mức tăng khá cao. Cụ thể, với kịch bản 1, khi đại dịch được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi, mặt bằng giá ở Việt Nam theo đó chịu sức ép tăng, CPI bình quân có thể từ 4-4,5%. Ở kịch bản 2, khi đại dịch chưa được kiểm soát kinh tế thế giới chưa phục hồi, mặt bằng giá của Việt Nam khó tăng cao, CPI bình quân năm 2021 sẽ ở mức 3,8% đến 4%.
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN) |
PGS-TS. Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng, lạm phát năm 2021 vẫn rất khó đoán định do thị trường thế giới diễn biến bất thường, đặc biệt đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế; tăng trưởng kinh tế đạt thấp (mặc dù Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương). Nên lạm phát vẫn chịu áp lực khó lường từ giá cả thế giới, thiên tai, dịch bệnh, áp lực nợ xấu hệ thống ngân hàng gia tăng từ tác động của đại dịch... là những thách thức lớn trong thời gian tới.
“Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, PGS-TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.
Ghi nhận các ý kiến của giới chuyên gia, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2021 để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt, chủ động. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao và vào dịp cuối năm, các hàng hóa phục vụ sinh hoạt của người dân.
Bộ cũng sẽ chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Đồng thời, sẽ tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.