Những mẩu chuyện về nhà văn Tô Hoài
Bút danh Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài lừng danh với truyện Dế mèn phiêu lưu ký, được ông viết từ năm ông khoảng 17, 18 tuổi. Cũng từ ấy, bút danh Tô Hoài xuất hiện trên văn đàn. Nhiều người chỉ biết Tô Hoài chứ ít biết tên thật của ông là Nguyễn Sen, sinh tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ.
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, chính quyền cách mạng thực hiện cải cách một số địa giới hành chính, làng Nghĩa Đô trở thành thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội; nay là phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Nhiều người đoán và thậm chí khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, bút danh Tô Hoài là do Nguyễn Sen “nhớ hoài sông Tô” mà nên; ngay cả nhà nghiên cứu - lý luận văn học Nguyễn Đăng Mạnh cũng có lần cho là thế. Bởi, xét ra cũng phần nào có lý. Mọi người đã đọc làu làu truyện Dế mèn phiêu lưu ký của ông, qua nhiều tư liệu biết ông sinh ra, lớn lên gần con sông Tô Lịch; và cũng bởi ông rất đam mê các trò chơi bắt dế, chọi dế mà viết nên thiên truyện để đời như vậy.
Từ đó suy ra Tô Hoài chắc hẳn do “nhớ hoài sông Tô” là hoàn toàn hợp lẽ. Lão nhà văn cũng đã từng một số lần trả lời câu hỏi về bút danh Tô Hoài, nhưng hình như cái sự suy kia nó có đời sống mạnh hơn, nên thiên hạ nhiều khi cũng cứ mặc nhiên thừa nhận. Nếu có đến tai nhà văn, ông cũng chỉ cười hóm hỉnh và mặc.
Hồi đầu năm 2010, trong buổi hai bác cháu trò chuyện thân tình (tôi vốn là quân của ông hồi ông làm Tổng biên tập báo Người Hà Nội), hỏi ông về bút danh, lão nhà văn cười cười, có gì đâu, chỉ là ghép hai cái tên và lược bớt đi thôi: phủ Hoài Đức và sông Tô Lịch là nơi mình sinh ra và lớn lên và... vẫn sinh sống cho đến bây giờ.
Tôi mới là Tô thật
Khoảng những năm cuối tám mươi, đầu chín mươi của thế kỷ 20, trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội ở số nhà 19, phố Hàng Buồm luôn luôn tấp nập người ra vào. Bởi ở đây có các hội: nhà văn, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, kiến trúc, văn phòng hội và báo Người Hà Nội. Có một ông già người thấp, đậm, trán hói và bóng thường xuyên đến ngôi nhà 19 Hàng Buồm. Đó là nhà sưu tầm tranh Tô Liên, cũng là người quen thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ thủ đô.
Ông Tô Liên thường hay đùa: Mọi người trông tôi có khác gì so với Tô Hoài không (quả thực trông ông Tô Liên cũng hơi nhang nhác nhà văn Tô Hoài ở dáng người thâm thấp, đậm đậm và hoi hói)! Nhưng tôi mới là Tô thật (Tôi là họ Tô), còn Tô Hoài là Tô giả.
Tô Hoài nhờ đặt tên chuyên mục
Về việc thâm thúy và bằng lòng “hạ bút” viết cho báo nào cũng như ứng xử tinh tế, khe khắt của nhà văn Tô Hoài, tôi đã trực tiếp được trải nghiệm. Đó là vào năm 2002, khi tôi trở lại làm thư ký tòa soạn báo Người Hà Nội, sau nhiều năm công tác ở một số tờ khác. Lúc ấy uy tín và số lượng phát hành của báo sút kém.
Trong một buổi gặp mặt tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội ở 19 phố Hàng Buồm, tôi gặp bác Tô Hoài và mời bác viết cho báo; bác cười cười rồi nói sang chuyện khác. Tôi hiểu ý bác chê tờ báo kém như thế bác không viết. Khoảng một năm rưỡi sau đó, trong buổi họp ban chấp hành Hội tổ chức ở Sầm Sơn, Thanh Hóa; nhà văn Tô Hoài gọi tôi ra góc phòng nói: “Tớ thấy báo Người Hà Nội dạo này bảnh lắm”. Tôi mừng quá, bác đã có lời khen anh chị em tòa soạn đã làm tờ báo hay lên, thật là lời khen vô giá của người đã sáng lập ra tờ báo.
Nhà văn nói tiếp: “Tớ viết cho báo nhé. Cậu nghĩ cho tớ một chuyên mục”. Thật vô cùng vinh hạnh và sung sướng khi được “cụ” Tô Hoài đồng ý viết. Sau đó tôi rất lo bởi sự tin tưởng của ông. Mất hàng chục ngày loay hoay tìm cách đặt tên chuyên mục, mấy chục tên nghĩ rồi lại xóa vì thấy không ổn. Bỗng một hôm lóe lên cái tên chuyên mục ấy, tôi mừng quá, đúng rồi, ra được chất của cụ Tô Hoài rồi, mà cũng tha hồ báo khai thác mọi góc khuất ở cụ...
Tôi gọi điện báo cáo bác cái tên chuyên mục, nhưng vẫn hơi lo, sợ bác không ưng. Nghe xong, nhà văn Tô Hoài cười khì khì trong máy: “Thằng này khá, hiểu được ý tớ”. Tên chuyên mục ấy là: “Thủng thẳng chuyện đời”. Suốt hơn hai năm nhà văn Tô Hoài đã viết cho chuyên mục ấy và được nhiều bạn đọc rất thích. Nếu có việc phải đi xa, hoặc bận gì đó, bao giờ nhà văn cũng viết trước có khi tới 3 số cho báo, hoặc báo trước cho chúng tôi chủ động.
Giò bìm biển trước cửa sổ
Căn nhà rộng gần trăm mét ở phố Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội được nhà văn Tô Hoài mua bằng tiền nhuận bút. Tiền nhuận bút thời thuộc Pháp rất cao, ông kể, nhuận bút của tập truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” được 30 đồng. Nhờ nhuận bút của “Dế mèn” ông đủ tiền đi “chu du thiên hạ” khắp Đông Dương.
Vào Sài Gòn, “đậu” ở Thủ Dầu Một thời gian đủ và cũng là cơ duyên gặp được một cô gái ở đây tên Phượng; đôi trai gái yêu nhau và đây là mối tình lớn nhất của nhà văn, kéo dài suốt hai thế kỷ đau đáu nhớ nhung bởi sự xa cách. Chàng trai trẻ Tô Hoài và cô Phượng yêu nhau đã tính đến chuyện hôn nhân; nhưng do lúc đó Tô Hoài đã hoạt động văn hóa cứu quốc (bí mật), cùng thời gian đó tàu xe quá trắc trở, nên họ không gặp được nhau.
Rồi cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, rồi toàn quốc kháng chiến thế là bặt tin nhau. Sau này khi Tô Hoài làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, bà Phượng từ Pháp về Việt Nam đã đi tìm và gặp được ông. Câu chuyện này nhà văn Tô Hoài chỉ kể riêng cho tôi, một lần tôi đến thăm ông ở Nghĩa Đô, nhà văn lúc này đã ở tuổi 90.
Trở lại căn nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài. Những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ 20, hàng tuần tôi đem bài vở đến để ông duyệt; thường thấy trước cửa sổ phòng làm việc của ông ở tầng 2 luôn treo một giò bìm biển, hỏi ông, ông chỉ cười. Mãi sau này khi kể về mối tình sâu nặng của mình ông mới cho biết là để nhớ mối tình với bà Phượng.
Chả là khi bà Phượng về nước tìm được ông, họ đã có những quãng thời gian rất đẹp bên nhau, trên những bãi biển của đất nước. Ít người biết nhiều bài viết của Tô Hoài ký bút danh Phượng Vũ hoặc Duy Phượng. Phượng Vũ là tên con trai thứ hai của ông, còn Duy Phượng thì hẳn là ẩn ý tình yêu của đời ông duy chỉ có Phượng mà thôi!