Những người làm đẹp cuộc sống
Chiều nay, nghe một nhóm bạn gồm nghệ sĩ Châu Đăng Khoa và một số nhà báo cầm ghi-ta say sưa hát, cảm giác thật gần gũi và bình yên. Châu Đăng Khoa là nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng thì ai cũng biết, nhưng nghe anh hát và cái cách anh giao lưu với bạn bè tôi càng cảm thấy anh cùng với giới văn nghệ sĩ đất Sài Gòn thật thân mật, dân dã.
Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải |
Họ không câu nệ tuổi tác, chỉ cần đồng điệu về tâm hồn, thích vui vẻ là ngồi ở đâu cũng có thể đàn và hát. Nghe tiếng đàn, tiếng hát ấy tôi thấy sự ấm áp của tình bằng hữu. Nó làm cho người gần người hơn và làm vơi đi cảm giác mệt mỏi của những giờ làm việc căng thẳng.
Ngày cuối tuần, các quán cà phê Sài Gòn sôi động hơn, nhiều quán có không gian thâm trầm, bình lặng, đủ để những tiếng đàn phát huy tác dụng, làm đẹp tâm hồn, làm đẹp cuộc sống. Những không gian ấy như tách biệt hẳn cuộc sống ồn ào, tấp nập bên ngoài. Lúc đó, tôi cảm giác mọi người đều cố xóa nhòa khoảng cách, những tính toán của cuộc sống mưu sinh để được hồn nhiên, thanh thản như những cung đàn ướp thoang thoảng hương cà phê.
Đất Sài Gòn nổi tiếng có nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, ông sống một mình và đi khắp nơi, mang giai điệu của đàn violon, mandoline đến với công chúng ở các công viên, các quán cà phê Sài Gòn. Dù sống một mình nhưng ông không hề đơn độc, bởi quanh ông luôn có những người bạn ở nhiều nước trên thế giới, già có, trẻ có.
Thi thoảng ông cũng đi với một đoàn làm từ thiện, dùng tiếng đàn của mình mang lại niềm vui cho những người khác. Ông chọn cách sống ấy, chỉ là một người đi “trang trí” cho cuộc sống này, dẫu bình thường, nhưng có ích.
Không riêng gì Sài Gòn, ở nhiều đô thị khác thật sự rất khó để có những ngày bình lặng, thật hiếm có người đủ thời gian ngơi tay để thưởng thức một tiếng đàn. Cuộc sống cứ kéo họ đi với biết bao lo toan. Những cảnh đời bất hạnh, những số phận trên đường phố đủ làm xao lòng những nghệ sĩ, sẽ trở thành chất liệu sống để họ chưng cất thành tác phẩm.
Và cũng tại chính thành phố sôi động với nhiều cảnh đời ấy, ở một góc phố, một con hẻm nào đó, có những không gian, dẫu là bé nhỏ nhưng cũng đủ để nhiều người tìm đến, thưởng cho mình cảm giác thư thái, như là đi tìm những nốt trầm của cuộc sống vậy.
Xu hướng du ca, phục vụ đông đảo tầng lớp người dân lao động nghèo đã xuất hiện trong làng nghệ thuật. Một số nghệ sĩ bằng sự nhiệt tâm của mình, đã cống hiện cho khán giả những giây phút thật sự thoải mái.
Ở Hà Nội, cuối tháng 10/2011 - “Du ca đường phố” ra đời. Đến nay, những buổi “hát rong” vẫn diễn ra theo tinh thần: không ồn ào, không phô trương, nhưng buổi giao lưu của các thành viên vẫn cuốn hút người xem bằng tiếng ghi-ta mộc mạc, đằm thắm. Và có lẽ, đó là những người không chỉ làm cho cuộc sống này trở nên sinh động hơn, mà còn góp mặt vào “bản nhạc đời” đầy những nốt xao xuyến, cho ta thêm yêu hơn, thân thương hơn thế giới này.
Đã có những bạn trẻ nói rằng, chính những buổi du ca đường phố đã góp phần làm cho thế hệ họ sống bớt gấp gáp hơn, hiểu và trân trọng giá trị cuộc sống hơn. Hãy làm một nốt nhạc, đốt cháy lên tình yêu của mình trong dòng chảy cuộc đời, để khỏi phải vô nghĩa như những hạt cát vô danh. Và đôi khi, hồn ta chỉ làm một bông hoa nhỏ trang trí cho cuộc sống này, như thế cũng đủ tốt đẹp rồi.