Những trăn trở của doanh nghiệp ngành gỗ
Báo cáo Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai do các Hiệp hội ngành gỗ vừa công bố cho hay, kịch bản tồi tệ nhất là khi các hoạt động thanh toán quốc tế với Nga không thể thực hiện được, luồng cung gỗ nguyên liệu xuất khẩu của Nga sẽ bị đứt gãy. Nếu điều này xảy ra, nguồn cung gỗ từ Nga lên tới gần 40 triệu tấn gỗ nguyên liệu quy tròn mỗi năm sẽ bị mất đi. Hụt về cung gỗ nguyên liệu trong khi cầu tiêu dùng về đồ gỗ tiếp tục gia tăng sẽ đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu. Sức ép lên nguồn tài nguyên rừng gia tăng.
Ở kịch bản sáng sủa hơn, điều kiện vẫn cho phép duy trì nguồn cung này. Hạn chế về các giao dịch xuyên quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng đòi hỏi các nhà xuất khẩu gỗ từ Nga và các nhà nhập khẩu gỗ từ các quốc gia sử dụng nguồn gỗ này cần tìm các phương thức thanh toán mới. Tuy nhiên, để các kênh thanh toán này có thể đưa vào vận hành cần mất thời gian. Bên cạnh đó, sử dụng hệ thống các ngân hàng nhỏ đồng nghĩa với việc các rủi ro trong các hoạt động thanh toán giữa các bên mua – bán. Kịch bản này nếu xảy ra cũng đối mặt với các khó khăn khác, trong đó đặc biệt là khó khăn trong khâu vận chuyển.
Ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu |
Tuy nhiên, về tổng thể, Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021 kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm.
Cùng với đó, Nga cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt rất nhỏ. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 7,3 triệu USD, tương đương 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, ngành gỗ của Việt Nam có độ mở cực lớn, kể cả đầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu và đầu thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng cung gỗ nguyên liệu từ Nga nếu bị co hẹp hoặc thậm chí mất đi trong tương lai cũng sẽ làm thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam, và đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao.
Và có điều không thể phủ nhận rằng, những ảnh hưởng gián tiếp đối với doanh nghiệp gỗ là chắc chắn. Đặc biệt, đối với gỗ nhập khẩu từ EU về Việt Nam sẽ ảnh hưởng về giá ngay lập tức.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Trang – Trưởng phòng Xuất Nhập khẩu - Công ty TNHH gỗ An Lạc cho biết, sản lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Ukraine giảm, chi phí sản xuất tăng, hiện doanh nghiệp vẫn còn hai lô hàng tồn tại cảng và chưa biết bao giờ về được. Hàng nhập khẩu từ Nga cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vận chuyển.
Câu hỏi quan trọng đặt ra lúc này là ngành gỗ Việt Nam cần phải chuẩn bị như thế nào nếu kịch bản xấu xảy ra? Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends nhận định, việc chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ.