Ninh Thuận: Kinh tế số là “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng
Tọa đàm về Phát triển Thương mại Điện tử: Cơ hội và Thách thức Phát triển nền tảng số - động lực phát triển kinh tế số Việt Nam |
Ngân hàng góp sức đẩy mạnh kinh tế số
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận chia sẻ, xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số… Thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), phát triển ngân hàng số...
Theo đó, NHNN tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với UBND TP. Phan Rang - Tháp Chàm triển khai các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công trên địa bàn nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM; đặc biệt trong các cơ quan thực hiện dịch vụ công, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Đến nay, 100% các trường học và 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế... bằng TTKDTM. Dạo quanh một vòng TP. Phan Rang - Tháp Chàm có thể thấy, không chỉ siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng, đại lý phân phối lớn có ứng dụng quét mã QR hay quẹt thẻ thanh toán mà nhiều quán ăn nhanh, cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, quầy thuốc... cũng đã chủ động triển khai các ứng dụng này nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng. Chủ một quán cà phê đường Nguyễn Văn Cừ, (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, mỗi khi khách gọi đồ uống chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại thông minh và quét mã QR, nhập số tiền thanh toán. Ngay sau đó, nhân viên của quán nhận được tin nhắn báo số tiền khách hàng vừa chuyển, rất đơn giản và thuận tiện cho cả người bán lẫn người mua.
Đến nay, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Ninh Thuận đã được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh thẻ, thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường. Số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) tiếp tục tăng; đến cuối tháng 8/2024, trên địa bàn có 611 POS tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng - một trong những ngành tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số ở Ninh Thuận |
Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số
Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. Bởi, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Do đó, việc phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động phục vụ chuyển đổi số tại địa phương là cần thiết và cấp bách.
Trên thực tế, đẩy mạnh kinh tế số đã trở thành “chìa khoá”, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Ninh Thuận. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng ấn tượng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước, đứng thứ 2/14 các tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung… GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của Ninh Thuận đạt 8,07%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc phát triển kinh tế số ở Ninh Thuận vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh chưa nhiều; tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chưa đủ mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số còn hạn chế…
Ninh Thuận đặt mục tiêu là đóng góp của kinh tế số vào GDP đạt 20% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Long Biên đã đề nghị các ngành, các cấp ở địa phương tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số, thu hút đầu tư vốn trong hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.
Về phía ngành Ngân hàng ở địa phương, cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tiếp tục góp sức thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở địa phương, NHNN chi nhánh Ninh Thuận sẽ tăng cường chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng nhằm mục đích phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng…; Tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán điện tử trong thương mại: triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi; điểm bán hàng lưu động, bán hàng bình ổn phục vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá thiết yếu của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc ở địa phương.