Đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Chủ động nghiên cứu tác động của bão số 3 đến điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, tập trung phục hồi sản xuất nông nghiệp |
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VGP |
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ LĐ&TB-XH, NN&PTNT, GTVT, Y tế, VH-TT&DL, TN&MT; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN; Lãnh đạo các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, KH&ĐT, Ngoại giao, Công Thương, Xây dựng... và các bí thư tỉnh ủy, thành ủy của 26 tỉnh, thành phố.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.
Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, lũ
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với tinh thần làm việc cả ngày Thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3; trên cơ sở đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như quân đội, công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… trực tiếp ứng phó tại hiện trường; các tập đoàn trong lĩnh vực điện lực, viễn thông đã vào cuộc ngay, tích cực; cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP |
Trình bày Báo cáo trung tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngay sau khi bão đổ bộ, Bộ Chính trị đã có kết luận, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ (văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09/9/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng). Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo theo sát tình hình bão và mưa lũ sau bão; các đồng chí trong Bộ Chính trị đi thăm hỏi, động viên đồng bào và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ .
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng, đồng thời đề nghị các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả và trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó tại Tuyên Quang, Phú Thọ.
Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên đồng bào.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là "chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất".
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra và phân công tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; kịp thời động viên, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo 05 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Thanh Hoá để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Trước bão, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp tại hiện trường, tổ chức 04 cuộc họp trực tuyến với các Bộ ngành, địa phương nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân và nhà nước.
Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, trực tiếp với các Bộ trưởng, trưởng ngành và Bí thư, Chủ tịch UBND 26 tỉnh, thành phố về giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3.
Với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa.
Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP |
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của một số tỉnh thành phố chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy báo cáo, tỉnh bị thiệt hại về người, tài sản rất lớn, với 29 người chết và trên 1.600 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó lâm nghiệp, thủy sản và trồng trọt bị thiệt hại trên 14.000 tỷ đồng, chiếm 55 % tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh…
Theo thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng hơn 17.500 khách hàng với tổng dư nợ bị thiệt hại ảnh hưởng là khoảng 46.425 tỷ đồng và dư nợ thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng.
Đến nay, Quảng Ninh đang khẩn trương tìm kiếm, di dời trên 111.000 người dân, khắc phục được 100% tình trạng mất điện, hệ thống thông tin liên lạc. Toàn bộ các hoạt động về y tế, khai thác than, các nhà máy, các khu công nghiệp và cửa khẩu hoạt động trở lại ngay sau bão. Vịnh Hạ Long đã đón khách trở lại từ ngày 9/9/2024.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, tính đến thời điểm này Hải Phòng có 2 người bị chết do sập nhà, 67 người bị thương hiện nay đã ổn định. Tổng thiệt hại của thành phố Hải Phòng là 12.300 tỷ đồng. Trong đó khối doanh nghiệp thì bị ảnh hưởng thiệt hại khoảng 3.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 27%, các cơ quan của nhà nước chiếm 15%, nhân dân thiệt hại là 7.200 tỷ chiếm 58 % và trong đó sản xuất nông nghiệp thiệt hại lớn nhất là 5.000 tỷ đồng, chiếm 11%.
Thành phố đang chuẩn bị kế hoạch di chuyển dân ra khỏi khoảng 50 chung cư cũ, với khoảng 3.000 hộ…Thành phố Hải Phòng đã bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng để khắc phục sau bão.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, Lào Cai đang tiếp tục giao cho các lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, chữa trị cho người bị thương. Hiện nay tại Làng Nủ còn 9 trường hợp đang tiếp tục tìm kiếm.
Tỉnh đang tập trung xây dựng lại nhà cho người dân trong đó có 3 khu tái định cư là Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến ngày 31/12 này sẽ hoàn thành.
Đến thời điểm hiện tại, 100% các học sinh đã được đến trường, y tế đã ổn định, viễn thông, điện đã được khôi phục trở lại như trước khi có bão.
Tỉnh đang đề xuất Thủ tướng và Bộ NN&PTNT hỗ trợ giống cây trồng cho nông nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ, xây dựng cơ bản về thủ tục, thuế, phí…, rà soát đề xuất giãn, hoãn, khoanh nợ các nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ cá nhân.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, bão số 3 đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho địa phương, làm 54 người thiệt mạng, 42 người bị thương, 27.000 ngôi nhà bị ngập lụt, và hơn 7.000 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp hoặc cuốn trôi. Ngoài ra, các công trình hạ tầng giao thông, y tế và giáo dục cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính tổng thiệt hại lên đến khoảng 5.700 tỷ đồng.
Đến nay, Yên Bái đã có 19.600 hộ dân trở về nhà, nhưng vẫn còn khoảng 2.500 hộ gia đình mất nhà hoàn toàn hoặc nhà cửa không đảm bảo an toàn. Hiện đã có 655/1.400 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn được bố trí đất ở, xây dựng khu tái định cư cho 268 hộ, tuy nhiên, còn 475 hộ vẫn chưa được bố trí đất, và Yên Bái sẽ phấn đấu hoàn thành việc này từ nay đến cuối tháng 10.
Về vấn đề nhà ở, tỉnh đã xác định có khoảng 1.600 hộ có nhà bị sập hoàn toàn, hỗ trợ khoảng 120 triệu đồng xây dựng lại nhà, với các nhà bị hư hỏng cũng được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng.
Ngoài ra, Yên Bái đã tiếp nhận hỗ trợ từ 6.500 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, và tỉnh chủ động mua 350 tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 5.000 hộ với trên 16.000 khẩu gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Nghị quyết số 143 của Chính phủ trong đó có những phương án cụ thể, từng nội dung, lĩnh vực phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tất cả các tuyến đường giao thông từ tỉnh lộ, đến tuyến huyện, xã đều thông tuyến và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân. Các cơ sở y tế, giáo dục của đã trở lại hoạt động bình thường.
Những hộ dân có nhà bị sập hoặc phải di dời khẩn cấp, đã được bố trí nơi ở tạm đầy đủ cho người dân; đồng thời Cao Bằng đã khởi công xây dựng 2 khu tái định cư, dự kiến bàn giao vào ngày 30/10; đến 31/12, tất cả người dân mất nhà ở phải có nhà.
Cao Bằng bảo đảm được lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết, không có người dân nào không được cứu trợ, hỗ trợ. Riêng Bộ Quốc phòng hỗ trợ 7 máy bay trực thăng để đến những nơi khó tiếp cận. Công tác cứu trợ được thực hiện rất kịp thời.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Chính trị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành 5 Kết luận và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì ban hành 7 công điện; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp xuống địa bàn của các quận, huyện phụ trách để chỉ đạo từ đầu khi cơn bão chuẩn bị về và đến kết thúc cơn bão và hoàn lưu của cơn bão số 3; đã sơ tán hơn 30.000 hộ với 78.000 người tại các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão đặc biệt là các địa bàn vùng ven sông Hồng và sông Đáy…
Theo thống kê ban đầu, Thành phố 4 người bị chết và 28 người bị thương và có khoảng gần 100.000 cây xanh bị gãy đổ, hơn 20.000 ha lúa, rau màu bị ảnh hưởng; xảy ra 40 sự cố về đê điều; 150 sự cố về công trình thủy lợi…Tổng thiệt hại do bão số 3 khoảng gần 2500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thành ủy đã đồng ý chủ trương để thành phố triển khai trích ngân sách khoảng 2.346 tỷ đồng cho các chương trình hỗ trợ sau cơn bão.
Dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng
Tại hội nghị các bộ, ngành đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP |
Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống rà soát đánh giá thiệt hại; yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị tác động bởi cơn bão. Đặc biệt, NHNN đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thông qua MTTQ ủng hộ khoảng 40 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHNN đã trực tiếp khảo sát ở 2 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh; tổ chức làm việc với các tổ chức tín dụng để bàn các giải pháp và sau đó, NHNN tổ chức hội nghị trực tuyến với hệ thống ngân hàng, mời UBND 26 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị này, có 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5-2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.
Về triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ, NHNN đã dự thảo Thông tư tái cơ cấu nợ và xin ý kiến rộng rãi của các DN, người dân; có văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp để ban hành thông tư theo hướng rút gọn; chỉ đạo các NHTM chủ động tính toán các phương án hỗ trợ, xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, xây dựng các gói tín dụng mới.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo đối với các đơn vị trong toàn hệ thống để thực hiện theo kế hoạch, chỉ thị đã ban hành.
Với các bộ, ngành, địa phương, NHNN đề xuất các bộ, ngành, cơ quan báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình tín dụng. Trong trường hợp cần thiết, các bộ, ngành cần trình Thủ tướng để bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho NHCSXH trong năm 2024-2025.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các ngân hàng nắm bắt tình hình, theo dõi diễn biến ảnh hưởng của bão, hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho DN, người dân, tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, NHNN để thực hiện theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tài chính ở các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động thông suốt của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc, và các đơn vị dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người dân sau bão.
Bộ Tài chính đã trình xuất 350 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ bổ sung cho 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3; cấp hơn 430 tấn gạo và các thiết bị cứu hộ như xuồng cao tốc, nhà bạt, phao cứu sinh, và máy phát điện. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất cấp các hóa chất xử lý môi trường và thuốc men cần thiết; đề xuất cấp thêm nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định cấp giống lúa, giống ngô và một số giống cây trồng khác để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới 26 địa phương để đề nghị các cơ quan thuế địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp và người dân về các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương về chính sách miễn, giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024; chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng xác định thiệt hại và tạm ứng chi trả bồi thường cho người dân. Tính đến ngày 25/9, theo báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường dự kiến cho bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là khoảng 10.165 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Ban Vận động cứu trợ Trung ương thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phân bổ 1.025 tỷ đồng cho 26 địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ. Số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa bị sập đổ và hỗ trợ người dân khôi phục đời sống.
Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục rà soát lại các mặt hàng trong kho dự trữ quốc gia để xử lý kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các phương tiện cứu hộ; tiếp tục phát huy phương thức phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc xuất cấp hàng hóa từ kho dự trữ quốc gia…
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP |
5 bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ Hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết, đánh giá bước đầu, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị theo tinh thần ngắn gọn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm.
Thủ tướng đánh giá chung, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin - truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bên cạnh đó, có những việc chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng:
Thứ nhất, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước.
Thứ ba, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tồng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng hống, khăc phục hậu quả.
Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thủ tướng lấy ví dụ để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để thiệt hại thấp nhất có thể.
Tương tự, để bảo đảm an toàn đê Hoàng Long (Ninh Bình) thì phải dừng hoạt động của thủy điện Hòa Bình, tăng hoạt động các thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng đề nghị các Bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.
Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông.
Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10/2024. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.
Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31/12/2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai rất nhanh việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân làng Nủ, huyện Bảo Yên và bản Nậm Tông, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai…
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10/2024, thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động.
Cùng với đó, rà soát, sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những người hy sinh, những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến, chậm nhất trong tháng 10/2024; xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật.
Các bộ ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai.
Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ.