Nỗi buồn hoa phượng
Xưa nay, cây phượng vốn gắn liền với tuổi học trò. Người ta còn gọi hoa phượng bằng cái tên đầy thân thương và gần gũi: hoa học trò. Hình ảnh những cô học trò mặc sắc áo trắng tinh khôi, trên giỏ xe “chở đầy hoa phượng” thắm đỏ đã từng đi vào thơ ca, nhạc, họa, một hình ảnh rất riêng, trong sáng và dễ thương vô cùng.
Tuy nhiên, từ câu chuyện xót thương về em Kiên (học sinh trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bị cây phượng bật gốc đè qua người dẫn đến tử vong mới đây, hình ảnh cây phượng lại vô tình trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Sự ra đi vội vã của Kiên, một cuộc đời ngắn ngủi chỉ kéo dài 12 năm ấy đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người, sự đồng cảm, thương xót cho Kiên lẫn nỗi “oán trách” một cách vô thức cây phượng bỗng chốc dấy lên trong lòng người.
Đau cho Kiên, cho người mẹ nghèo khổ, bất hạnh không kịp nhìn mặt con trai lần cuối; đau cho đứa em còn đỏ hỏn chưa một lần được người anh trai bẹo má, âu yếm, hôn lên khuôn mặt thiên thần. Nhưng cũng buồn cho cây phượng không tự nó làm gì nên tội nên tình mà bỗng nhiên trước búa rìu của dư luận. Nhiều nơi đã đốn hạ hàng chục cây phượng xuống, kết thúc một phần đời của cây theo đời người ngủ yên trong lòng đất Mẹ.
Cây phượng đáng trách hay con người đáng trách? Phượng vĩ có tên khoa học là Delonix regia, thuộc họ Caesalpiniaceae, là cây đại thụ có khả năng cao hơn 20 mét, tán lá dang rộng, rễ vằn trên mặt đất. Nhìn bề ngoài thân phượng to, cứng cáp, vững chãi, nhưng thực tế thân phượng, cành phượng rất giòn và dễ gãy đổ. Đặc biệt là phần gốc phượng, rễ của chúng bén đất, cắm sâu xuống lòng đất, nhưng lâu năm thì lớp rễ này bị mục đi do sự tác động của đất, của nước, của những loài côn trùng, sâu bọ đục khoét. Nhiều cây phượng bị rỗng (bọng) ruột, phần rễ chính bị đứt nham nhở hoặc mềm ra, các rễ xung quanh chỉ mang nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây sống và trổ hoa chứ không có tác dụng nhiều trong việc giúp cây phượng trụ vững trên mặt đất. Tán phượng to, mất cân bằng, phượng gãy đổ trong mùa mưa bão là chuyện thường xuyên xảy ra.
Nhiều cây phượng ngoài công viên được trồng hết sức hời hợt. Phải chăng người trồng không hiểu rõ đặc tính sinh học của nó. Cây đã cao to lại được cắt bớt rễ, xén bớt cành vận chuyển đến công viên trồng cho cây mau phát triển, tỏa bóng. Rễ cây không bén sâu nổi xuống đất, dù chúng vẫn hút được chất dinh dưỡng nuôi cây. Tán lá to nên phượng công viên, phượng trồng trên lề đường hay bật gốc gây ảnh hưởng đến con người. Thật đáng buồn!
Hãy để những cây phượng vĩ tự vươn mình, đâm sâu rễ xuống lòng đất để trụ vững và khó gãy đổ. Đặc biệt ở những nơi đông người qua lại, phải chọn loại cây vừa dẻo dai, cứng cáp, vừa đảm bảo tính thẩm mĩ để trồng, hạn chế trồng những cây thân giòn, dễ gãy. Nếu muốn trồng phượng vĩ để giữ lấy sắc hoa học trò thì tốt nhất nên hạ tán xuống thấp để giữ an toàn, đồng thời phải làm rào chắn, giá đỡ thân cây để tránh gãy đổ, vừa đảm bảo an toàn cho người, vừa làm đẹp cho đời.
Hãy để những mùa phượng thêm hồng trong đôi mắt học trò!