Nới room ngoại: Không thể đại trà
TS. Châu Đình Linh |
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của vốn ngoại đối với ngân hàng hiện nay?
Câu chuyện room ngoại gần đây được đề cập nhiều hơn khi nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng hội nhập sâu rộng. Vấn đề nâng cao nguồn vốn, tăng năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động hệ thống ngân hàng ngày càng được chú trọng.
Có thể thấy, nếu thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có tiềm lực sẽ giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn; bổ sung và ổn định nguồn vốn kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng. Đồng thời, nhà đầu tư ngoại cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản trị, định hình mô hình kinh doanh hiện đại. Như vậy, có thể khẳng định được vai trò của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của các nhà băng Việt khá quan trọng.
Hiện room ngoại tại một số ngân hàng đã được lấp đầy với tỷ lệ tối đa 30%. Vì vậy, các ngân hàng kỳ vọng sẽ được nới thêm room ngoại.
Mặt khác, việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, giúp ngân hàng đó có thể hồi phục, tái cấu trúc được cũng là chủ trương đặt ra của Chính phủ. Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đã cam kết xem xét tạo thuận lợi, cho phép các nhà đầu tư ngoại nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong hai NHTMCP.
Vậy theo ông, các ngân hàng cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài?
Nhìn vào những con số thực tế, nhiều ngân hàng đang hết room. Song cũng có ngân hàng vẫn còn vì chưa thu hút được nhà đầu tư ngoại bởi yếu tố năng lực của chính các nhà băng này. Nếu ngân hàng không nỗ lực để cải thiện tự thân thì cũng rất khó để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, dù có nâng tỷ lệ sở hữu mà ngân hàng không chứng minh được sự uy tín, năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, công khai minh bạch… thì các đối tác ngoại cũng không mặn mà. Ngược lại, nếu các nhà băng có thể nâng cao nội lực của chính mình thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tự động “gõ cửa”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc nới room ngoại nên được cân nhắc, thưa ông?
Việc này theo tôi cũng nên cân nhắc. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, các NHTM vẫn đang có nhu cầu tăng vốn để thêm nguồn lực xử lý dứt điểm nợ xấu cũ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành Basel II và tiến đến Basel III. Vì vậy, nhiều nhà băng rất kỳ vọng có dòng tiền quy mô từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để có thể “lớn” nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo tôi không nới room ngoại cho toàn hệ thống mà cần có sự phân nhóm. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các TCTD yếu kém và TCTD nhận chuyển giao. Chủ trương này cũng thể hiện rõ qua việc NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam. Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD trong nước. Trong đó, quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém (không bao gồm các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có thể được nới room của nhà đầu tư ngoại lên 49%, thay vì 30% như hiện nay. Tôi cho rằng, quy định này cũng phù hợp. Tuy cởi mở hơn trong việc nới room ngoại, nhưng cũng cần đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế và là một lĩnh vực tương đối nhạy cảm. Chính vì vậy, cần phải hết sức thận trọng trong câu chuyện thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào hệ thống ngân hàng. Việc xem xét, nghiên cứu để đưa ra một mức giới hạn tỷ lệ sở hữu phù hợp là chuyện cần thiết và phải có lộ trình.
Xin cảm ơn ông!