Nặng tình với Điện Biên
Ngắm nhìn Điện Biên giữa trời tháng 4 rực rỡ nắng vàng và màu xanh của lúa, cây ngô công nghiệp, cây ăn trái đang ngày càng trải rộng che phủ lên những đổ nát hoang tàn của chiến trường xưa, hơn ai hết, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - người đã từng là cán bộ tín dụng Agribank và nhiều lần đến Mường Nhé, Điện Biên Đông - càng thấu rõ tình yêu và ý chí kiên cường của người dân Điện Biên và chính quyền địa phương cùng những cán bộ ngân hàng trên mảnh đất này.
Bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với câu hát “sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường… tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…” không chỉ là hồi ức của cán bộ tín dụng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng những năm 70, mà vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Như Ngân hàng Chính sách xã hội, không phân biệt ngày thường hay thứ Bảy, Chủ nhật, cứ đến phiên giao dịch là cán bộ mang vốn xuống xã cho bà con kịp bắt nhịp sản xuất, nuôi trồng. Những cán bộ ngân hàng “lấy Tây Bắc làm quê hương” không hiếm. Nhiều người đưa vợ, con lên chung sức cùng với nhân dân Điện Biên xây dựng và gìn giữ mảnh đất phên dậu của nước nhà.
Người ta nói muốn làm kinh tế, yếu tố đầu tiên là “tiền đâu”, song ở Điện Biên, đây không còn là vấn đề khó khăn nữa. Bởi hiện nay, cùng với hai ngân hàng chủ lực giúp đồng bào giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn là Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank, Điện Biên đã có sự hiện diện của các NHTM nhà nước chủ lực như VietinBank, BIDV, Vietcombank cùng các NHTMCP như MB, ABBANK, LPBank…
Ban lãnh đạo NHNN cùng ngành Ngân hàng cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Điện Biên, không chỉ trong việc khơi thông tín dụng mà còn trợ lực cho chính quyền địa phương thu hút đầu tư phát triển kinh tế và hạ tầng. Có thể kể đến Chương trình xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013, các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thường niên và đột xuất do chi nhánh NHNN tỉnh và các NHTM triển khai.
Lãnh đạo NHNN cũng đã trực tiếp thị sát tại các địa bàn khó khăn nhất của tỉnh để từ đó có những chính sách hỗ trợ tín dụng kịp thời cho phát triển kinh tế. Ngay cả trong các dịp đi công tác cùng Chính phủ, các bộ, ngành cũng như trong dịp cuối tháng tư vừa qua, Lãnh đạo NHNN cũng tranh thủ dành thời gian họp bàn cùng hệ thống ngân hàng trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng tín dụng, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.
Thực tế cũng đã chứng minh cho điều ông nói. Tính đến 31/3/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt 20.195 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với cuối năm 2002 - năm trước khi tái lập tỉnh. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 31/3/2024 đạt 9.679 tỷ đồng, chiếm 47,93%/tổng dư nợ (NHTM là 5.150 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 4.529 tỷ đồng). Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 5.388 tỷ đồng/300 doanh nghiệp, chiếm 26,68%/tổng dư nợ.
***
Đặc biệt, ở địa bàn biên cương này, sự phát triển của các chi nhánh ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận là ưu tiên số một mà hơn cả là để chung tay cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng địa phương. Như MB Điện Biên mới khai trương đầu năm 2024, hiện thu chưa đủ bù đắp chi, song trong giai đoạn 2021-2023 đã đóng góp 21,3 tỷ đồng để xây dựng hơn 200 nhà đại đoàn kết, mái ấm tình nghĩa cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các gia đình chính sách; sắp tới là xây dựng các trường tiểu học và trung học tại địa phương với tổng ngân sách lên tới 20 tỷ đồng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú tâm tình: “Phần tài trợ an sinh xã hội này, có lẽ là 10 năm lợi nhuận tới đây của chi nhánh cũng chẳng đủ bù”.
Vị thế đi đầu trong công tác an sinh xã hội với địa phương của Ngành đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Điện Biên đánh giá cao. Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hưởng ứng thực hiện Đề án vận động, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), toàn ngành Ngân hàng đã ủng hộ 19,6 tỷ đồng. Các TCTD trên địa bàn dù khó khăn cũng đã dành 4,4 tỷ đồng tặng quà Tết cho các hộ nghèo làm nhà cho người nghèo, hỗ trợ máy tính cho trường học. Hay như một thống kê cho thấy, chỉ từ năm 2015 đến tháng 10/2019, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ an sinh xã hội cho Điện Biên số tiền trị giá 87 tỷ đồng...
Những nỗ lực của hệ thống ngân hàng đang góp phần cùng người dân và chính quyền địa phương biến những thứ vốn được xem là rào cản phát triển của khu vực miền núi, thành tiềm năng, lợi thế kinh tế, giúp Điện Biên năm 2022 đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/63 tỉnh thành trong cả nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên du lịch của tỉnh cán mốc 1 triệu lượt khách; có 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Điện Biên đang trở thành một thành phố trẻ với vóc dáng, diện mạo mới, bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc.
***
Tuy nhiên, hành trình xây dựng một Điện Biên đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, theo Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều khó khăn.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Điện Biên Nguyễn Quốc Tùng cho biết, Điện Biên hiện vẫn là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (25,68%). Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Trên địa bàn không có khu công nghiệp và những doanh nghiệp chủ đạo, chưa có những đột phá trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn dù có nhiều tiềm năng.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Điện Biên Nguyễn Quốc Tùng: Đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân Trong năm 2024, Chi nhánh NHNN tỉnh chủ động tham mưu, xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tỉnh, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng NHNN, Chỉ thị của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024. Chi nhánh tiếp tục bám sát tình hình triển khai thực hiện các chính sách, chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ, NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Triển khai đến các NHTM nhà nước trên địa bàn tỉnh danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn; đồng thời, sao gửi các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh để các ngân hàng trên địa bàn nắm được, bám sát và tiếp cận đầu tư. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan, tập trung triển khai và đôn đốc các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tỉnh trong thực hiện Đề án 06, trọng tâm là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội và giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng. Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh luôn bám sát cơ sở, chỉ đạo trực tiếp, đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hoạt động ngân hàng luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và có sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và người dân. Kết quả, tính đến 31/3/2024, huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng khá, tăng 2,52% so với cuối năm 2023 đạt 18.649 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 20.195 tỷ đồng. Trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 31/3/2024 đạt 9.679 tỷ đồng, chiếm 47,93%/tổng dư nợ. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 5.388 tỷ đồng/300 doanh nghiệp, chiếm 26,68%/tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương khi mà sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ yếu là sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ, việc tiếp cận vốn ngoài ngân hàng là khó thực hiện; cùng với đó là những chương trình tín dụng chính sách góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. |
Ông Tạ Việt Bắc - Giám đốc VietinBank Điện Biên cũng cho biết, mặc dù cửa khẩu Tây Trang là một lợi thế của tỉnh trong việc giao thương với nước bạn Lào, song suốt 3 năm dịch Covid-19, cửa khẩu đóng cửa hoàn toàn. Tiếp đến là kinh tế Lào khó khăn khiến thương mại biên giới bị “gãy vụn”, đến đầu năm 2024 mới “nhúc nhắc” phát triển trở lại. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện 8 lên kế hoạch cho Điện Biên phát triển thủy điện và điện gió với tổng công suất 600M, tuy nhiên “điểm yếu chí tử” của Điện Biên là hiện chưa có đường dây truyền tải 110 kv. “Nếu không bổ sung nguồn lực hoặc mở cơ chế cho tư nhân đầu tư đường truyền tải, thì tiềm năng mãi mãi là tiềm năng”, ông Bắc nói.
Đây cũng là lý do dù các TCTD trên địa bàn đã dùng nhiều biện pháp kích cầu, song 5 năm qua, tăng trưởng tín dụng bình quân trên địa bàn chưa khi nào vượt 5%. Điều này cũng có nghĩa là để thúc đẩy kinh tế địa phương, không chỉ có nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ngành Ngân hàng, mà còn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các bộ, ngành liên quan với các chính sách cũng như nguồn lực đủ để khơi mở các động năng kinh tế.
Tương lai phát triển mới cho Điện Biên đang mở ra cùng với cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện. Cuối năm 2023, sân bay Điện Biên đã được mở rộng. Quy hoạch Cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đang được hiện thực hóa song hành cùng mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh. Cùng tiến trình đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động tín dụng tiêu dùng, tín dụng vi mô nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn, góp phần giảm nghèo và ngăn ngừa tín dụng đen. Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, đưa Điện Biên đến năm 2030 là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), tại Lễ tiếp nhận ủng hộ nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trên phạm vi toàn quốc ngày 5/4/2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng trong toàn quốc dành một ngày lương để ủng hộ hoạt động tri ân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trao 20 tỷ đồng tiền ủng hộ tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thống đốc mong muốn số tiền này sẽ cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng trao ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng nhằm hỗ trợ chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) tại tỉnh Điện Biên. |