Ổn định tâm lý, kiểm soát lạm phát kỳ vọng
Ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát |
Lạm phát giảm, dư địa tốt hơn cho điều hành
Giá cả thị trường trong nước 7 tháng qua cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Nhìn lại dãy số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ Tổng cục Thống kê từ đầu năm đến nay có thể thấy, CPI có xu hướng giảm dần đà tăng các tháng từ đầu năm đến tháng 6 (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó liên tục giảm (tháng 2: tăng 4,31%; tháng 3: 3,35%; tháng 4: 2,81%; tháng 5: 2,43%; tháng 6: 2%), trước khi nhích nhẹ trở lại trong tháng 7 vừa qua, lên 2,06%. Xu hướng giảm liên tục trên giúp CPI bình quân 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023.
Chính vì tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần, các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đều nhận định CPI bình quân năm 2023 hoàn toàn có thể nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% cho năm nay. Tuy nhiên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhận định lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép. Do đó những tháng cuối năm 2023, dù một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đồng thời vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thực tế trong những tuần gần đây, có một số tín hiệu cả từ bên trong và bên ngoài cho thấy các áp lực lạm phát đang quay trở lại. Bên ngoài, việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 2/8 hạ bậc tín nhiệm của Mỹ (từ AAA xuống bậc AA+); thị trường lao động tại Mỹ vẫn “khỏe” trong bối cảnh tiền tệ thắt chặt (hàm nghĩa chính sách tiền tệ vẫn phải thắt chặt để đối phó với lạm phát cao hơn do lương và thu nhập tăng); giá dầu toàn cầu duy trì đà tăng liên tiếp trong 6 tuần gần đây; giá lương thực – vốn là yếu tố góp phần giúp giảm đà tăng của lạm phát toàn cầu trong suốt thời gian qua – cũng bắt đầu nhích tăng trở lại trước nguy cơ tái bùng phát khủng hoảng lương thực… là các tín hiệu cho thấy rủi ro suy thoái ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ gia tăng, đồng thời báo hiệu có thể xuất hiện làn sóng lạm phát thứ hai trên toàn cầu (lạm phát cao kéo dài hơn kỳ vọng khi tốc độ giảm của lạm phát sẽ kém tích cực hơn vừa qua, thậm chí lạm phát có thể đảo chiều tăng trở lại), kéo theo đó là chính sách tiền tệ của các NHTW lớn toàn cầu có thể còn thắt chặt hơn nữa; hoặc ít nhất sẽ kéo dài hơn hiện trạng thắt chặt như hiện nay so với kỳ vọng của thị trường, nhà đầu tư (hầu hết đều cho rằng có thể nới lỏng từ đầu năm 2024).
Trong nước, dù CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần giúp mức tăng CPI bình quân 7 tháng giảm nhưng như đã đề cập ở trên, CPI tháng 7 đã tăng nhẹ trở lại so với cùng kỳ (tăng 2,06%) và tăng 0,45% so với tháng trước. Do đó các chuyên gia nhận định, mặc dù xu hướng CPI ổn định và trong tầm mục tiêu đặt ra, nhưng dự báo vẫn có một số yếu tố có thể tác động đến CPI trong thời gian tới. Đơn cử, mặt hàng xăng dầu trong nước sau những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp và khá mạnh vừa qua ít nhiều sẽ tác động đến CPI tháng 8 và xu hướng này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tiếp theo nếu giá dầu thế giới tiếp tục đà tăng. Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu đầu vào thế giới tiếp tục ở mức cao; giá lương thực thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình… thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, tết; dịch vụ du lịch tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tăng cao; việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý… dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm nay.
Tính toán thời điểm điều chỉnh là rất quan trọng
Đáng chú ý, trong các nhóm hàng hóa dịch vụ tác động lớn khiến CPI tăng thời gian qua, đặc biệt là CPI tháng 7 (nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm du lịch, giải trí; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm giáo dục; nhóm giao thông), gắn trong đó có những hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý mà tới đây có thể tiếp tục điều chỉnh tăng. Chưa kể như đã đề cập ở trên, giá năng lượng (xăng dầu), lương thực cũng đã phát đi những tín hiệu tăng và EVN cũng đang đề xuất tiếp tục được sớm tăng giá điện.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023 ngày 3/8 vừa qua, ý kiến từ lãnh đạo các bộ, ngành đều thống nhất cho rằng từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành giá "dễ thở hơn", đủ điều kiện để có thể xem xét lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường; nhưng đồng thời cũng lưu ý cần điều chỉnh vào thời điểm thích hợp để vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giảm bớt áp lực sang các năm tiếp theo.
Đơn cử, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá giáo dục có tác động lớn nên khi tăng cần bảo đảm yếu tố thuận lợi, vừa kiểm soát lạm phát, vừa có sự đồng thuận xã hội. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bên có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 – 2024.
Như vậy, dù lạm phát thấp nên chúng ta có dư địa cho việc điều chỉnh tăng giá hàng hóa dịch vụ, nhưng cần tính toán thời điểm điều chỉnh để vừa đảm bảo yếu tố điều hành giá, vừa nhận được sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng để tránh tâm lý quan ngại và lạm phát kỳ vọng, mà từ đó có thể đẩy lạm phát thực tăng nhanh trở lại.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu đề ra thì một trong những giải pháp cần tập trung là theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh: “Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát”.