Ổn định vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng trung và dài hạn
Ông Nguyễn Minh Cường |
Trong bối cảnh giá năng lượng “bớt nhảy múa”, lạm phát trên toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh và một số NHTW lớn trên toàn cầu bắt đầu phát đi thông điệp sẽ “hạ nhiệt” tốc độ tăng lãi suất… thì tác động bên ngoài đến Việt Nam cũng theo đó mà phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, những bất định bên ngoài vẫn còn rất lớn, khó lường và lưu ý ở đây là những tác động mang tính độ trễ.
“Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ nhưng tác động từ những bất định bên ngoài - với độ trễ nhất định - đang ngày càng rõ nét và là rủi ro lớn nhất”, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết khi trao đổi với TBNH.
Nhìn nhận của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam?
Tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 3/4 chặng đường đầu năm 2022 là rất ấn tượng và sự phục hồi mạnh mẽ này dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chính trị ổn định cũng như thành công trong khống chế dịch bệnh Covid-19 đã tạo nền tảng giúp cho nền kinh tế phục hồi mạnh.
Sự phục hồi này tương đối đồng đều, thể hiện ở tất cả các động lực tăng trưởng, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ; trong khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước và của người dân vào sự phục hồi rất mạnh. Điều này rất quan trọng, đặc biệt vào thời điểm có nhiều biến động xảy ra như vừa qua thì niềm tin này sẽ là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế.
Chính vì vậy ADB và nhiều tổ chức khác đều tin tưởng tiềm năng tăng trưởng và triển vọng tích cực của Việt Nam trong trung và dài hạn. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến các rủi ro hiện nay rất lớn. Trong đó, tôi cho rằng rủi ro lớn nhất với Việt Nam bây giờ vẫn là tác động có độ trễ của những yếu tố bên ngoài càng ngày càng rõ nét. Lạm phát cao trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển khiến họ phải lựa chọn: 1/Tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hay 2/Khống chế lạm phát cao. Đối diện với thực tế này, nhiều nước đã phải chọn vế thứ hai với tiền tệ thắt chặt, các biện pháp nâng lãi suất rất khắc nghiệt để chống lạm phát.
Điều đó đã và đang tác động mạnh đến tăng trưởng, từ đó tác động dây chuyền đến toàn bộ thị trường vốn, tiền tệ trên thế giới, đặc biệt với các nước đang phát triển. Hệ lụy dễ thấy ngay là nhập khẩu lạm phát tăng và áp lực gia tăng vẫn hiện hữu, trong khi đó tỷ giá cũng chịu biến động rất lớn. Hàng loạt đồng nội tệ ở châu Á đã bị mất giá rất mạnh. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN thời gian qua rất linh hoạt đã giữ VND mất giá không nhiều so với mặt bằng chung, qua đó giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc giữ giá VND sẽ càng ngày càng trở thành một trở ngại, bởi không những có thể ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu. Vì Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh thương mại trực tiếp với nhiều nước trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Philippines… (có đồng nội tệ giảm mạnh so với USD thời gian vừa qua).
Vậy ông đánh giá thế nào về việc NHNN tăng lãi suất gần đây và khuyến nghị về CSTT trong ngắn hạn là gì?
Trong bối cảnh như tôi vừa nói trên, việc NHNN tăng lãi suất 2 lần, đồng thời nâng biên độ tỷ giá lên +- 5% trong vòng một tháng qua là những động thái linh hoạt và phù hợp trong thời điểm này. Xu hướng các đồng tiền, trong đó có VND giảm giá so với USD có thể vẫn tiếp tục. Vì vậy tôi cho rằng, CSTT cần tiếp tục thể hiện sự linh hoạt: Một mặt vẫn điều chỉnh biên độ tỷ giá, mặt khác vẫn phải tăng lãi suất ở mức độ thích hợp nếu cần thiết. Sự sáng tạo, chủ động và linh hoạt của NHNN là sẽ sử dụng các công cụ này như thế nào trong thời gian tới đây.
Trong bối cảnh hiện nay, việc dần thắt chặt CSTT là hợp lý, là biện pháp cần theo đuổi. Nhưng để siết chặt tiền tệ và điều hành tỷ giá được hiệu quả thì các bài học của giai đoạn 2008 cần được lưu ý. Ví dụ đối với thị trường ngoại hối, cần phải có sự quản lý hiệu quả mối liên hệ giữa thị trường chính thức và thị trường không chính thức thì việc nới biên độ tỷ giá mới có hiệu quả. Hay việc nâng lãi suất là hợp lý nhưng vấn đề đặt ra là phải có giải pháp hiệu quả không để dòng vốn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên sau đó lại chảy sang các lĩnh vực khác. Hay để không xảy ra những rủi ro lây lan thì vấn đề kiểm soát, quản trị trong hệ thống rất quan trọng... Thời điểm hiện nay, năng lực quản trị đã được tăng cường, khác rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Cho nên tôi tin tất cả những rủi ro hệ thống đã được nhận biết, đã trở thành bài học và khả năng quản lý để tránh các rủi ro này đã tăng lên rất nhiều.
Điều hành CSTT linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh |
Trong bối cảnh dư địa CSTT thu hẹp lại như thế thì CSTK thời gian tới cần như thế nào, thưa ông?
Thời điểm hiện nay cũng không nên gây sức ép quá lớn lên CSTT, đặc biệt là sử dụng CSTT để thúc đẩy tăng trưởng, mà nên dựa nhiều hơn vào CSTK. Trong khi Việt Nam đang chuyển dần sang thắt chặt CSTT thì CSTK, đặc biệt là đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng và cần là chỗ dựa vững chắc cho tăng trưởng. Như tôi đã nói nhiều lần, CSTK vẫn còn dư địa nhưng dư địa thời gian để thực hiện CSTK thì không còn nhiều. Tuy nhiên ít nhất là trong ngắn hạn (quý IV/2022 và năm 2023) cần tiếp tục dựa nhiều vào CSTK. Trong đó, đặc biệt tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công và cần tận dụng kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ được phục hồi, tăng trưởng kinh tế mà không tác động nhiều đến lạm phát.
CSTK mở rộng cần tiếp tục duy trì nhưng tất nhiên sẽ không thể kéo dài quá lâu, mà cần thực hiện có thời hạn và có mục tiêu. Bởi gánh nặng lên tài khóa cũng đang lớn dần, trong khi một số nguồn thu ngân sách quan trọng như thu từ chứng khoán, từ bất động sản… đã bắt đầu xu hướng giảm và tới đây nhiều khả năng còn giảm hơn. Như vậy cần xem cụ thể khi thu ngân sách từ các lĩnh vực như vậy giảm dự báo sẽ tác động đến ngân sách thế nào, để từ đó tính toán về khả năng CSTK tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!