Phát huy giá trị kinh tế từ rừng
Cải thiện sinh kế nhờ rừng
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã coi kinh tế rừng là một trong những hướng đi chính để phát triển kinh tế một cách bền vững. Xã vùng cao Thạch Yên, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vốn còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, đời sống của nhiều hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn được cải thiện thông qua dự án "Trồng rừng gỗ lớn cho mục đích hấp thụ CO2 và giúp tăng thu nhập cho nông dân” do ngành kiểm lâm và Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện, từ quỹ hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch. Trong hơn 2 năm triển khai dự án (từ năm 2021 đến nay), các hộ trên địa bàn xã đã trồng được hơn 195 nghìn cây xanh, tương đương khoảng 100 ha. Anh Quách Văn Hướng, hộ dân được hưởng lợi từ dự án chia sẻ, từ khi tham gia dự án anh được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng rừng. Rừng được trồng từ năm 2021, đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt, vừa bảo vệ môi trường, trong tương lai giúp anh và các hộ khác có thêm thu nhập.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững) nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Đăng Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần BVN Hoà Bình cho biết, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên gỗ nén và các sản phẩm khác từ gỗ tại Lạc Sơn. Công ty đã liên kết với người dân trên địa bàn trồng rừng và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 131 nhóm hộ với 4.414 thành viên, diện tích trên 6 nghìn ha và đang hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí về chứng chỉ FSC cho 92 nhóm hộ tại huyện Tân Lạc với diện tích trên 5 nghìn ha, 150 nhóm hộ cấp xóm tại huyện Đà Bắc với diện tích trên 8.000 ha. Khi có chứng chỉ FSC sẽ tạo điều kiện giúp các chủ rừng cải thiện phương thức quản lý rừng trồng bền vững, cải thiện sinh kế cho nông dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, tiềm năng từ kinh tế rừng rất lớn nhưng hiện nay, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng còn bị bỏ ngỏ. Người làm nghề rừng vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp phát triển kinh tế rừng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã được triển khai thí điểm hoặc ứng dụng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển rừng theo hướng đa giá trị như: nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn; trồng dược liệu dưới tán rừng, kinh doanh du lịch rừng… nhưng vẫn khó triển khai hoặc nhân rộng vào thực tế do rào cản về pháp lý.
Rừng trở thành tiềm năng kinh tế lớn của người dân, doanh nghiệp |
Tăng cường hợp tác công - tư
Nhằm phát huy tối đa giá trị kinh tế của rừng, nhiều địa phương đã xây dựng những đề án, kế hoạch phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Lâm nghiệp cho biết, ngành đang đặt mục tiêu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật; phát triển và sử dụng rừng bền vững..., bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của cả khu vực công và tư nhân là vô cùng quan trọng. Với sự hợp tác với các đối tác, sẽ trồng mới và làm giàu cho hàng trăm hecta rừng, nhất là tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trên khắp cả nước. Rừng sẽ được trồng cây gỗ lớn, cây bản địa kết hợp với nhiều cây lâm sản, dược liệu gắn với cải thiện sinh kế người dân. Bên cạnh đó, “Hộ chiếu vườn quốc gia” sẽ tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng, qua đó từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch tăng lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái...
Là một doanh nghiệp luôn trăn trở với kinh tế rừng, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, từ trước đến nay, chúng ta chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của các doanh nghiệp lớn. Do đó, để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế đất cho những doanh nghiệp có thành quả trong việc trồng và phát triển rừng.
Để bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế rừng, đại diện một số doanh nghiệp đề xuất việc chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ rừng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần mô hình trồng cây đa tầng. Mô hình này bao gồm việc trồng các loại cây lâu năm như cây dược liệu, cây lấy tinh dầu, cây ăn quả và cây lấy gỗ. Những cây này không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái rừng. Thí dụ, các loại cây như đàn hương, gù hương, sầu riêng, macca... vừa có thể cung cấp gỗ, tinh dầu, vừa có khả năng tồn tại lâu dài, giúp duy trì và phát triển diện tích rừng. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương, từ đó phát triển kinh tế một cách bền vững.