Phát triển công nghiệp văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang được đặt ra, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế. Trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, việc phát triển công nghiệp văn hóa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà sâu xa là góp phần quảng bá hình ảnh mỗi địa phương, và đất nước…
1. Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai (Hà Nội) góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, thu hút khách du lịch |
Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa - một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.
Vị kiến trúc sư này dẫn chứng, trong kiến trúc có những công trình, cụm công trình có giá trị nhất định trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc 30 năm sau nó đã phát huy được giá trị. Những khu đô thị, công trình của Việt Nam được giới kiến trúc đánh giá cao. “Chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế”, ông Hào nói, đồng thời nhấn mạnh: “Văn hóa thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần”.
Cho rằng, công nghiệp văn hóa cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh được, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nêu quan điểm: Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.
2. Ở lĩnh vực điện ảnh, nếu làm tốt, sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển mạnh, đồng thời có sức ảnh hưởng tới nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ và khách du lịch nước ngoài. Bà Ngô Thị Bích Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty BHD, đơn vị đã hoạt động 27 năm trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp điện ảnh và nội dung số trở thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Theo bà, Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Tuy nhiên khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỷ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Vì vậy bà cho rằng, chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.
Cũng theo bà Hiền, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải gây dựng được cơ sở vật chất và tạo điều kiện phát triển. Ví dụ rạp chiếu phim, phim trường cần được giảm giá thuê mặt bằng, hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Tuy nhiên theo bà Hiền, “các chính sách để văn hóa phát triển phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ”, bà Hiền nói và thêm rằng, “rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được”, bà Hiền nêu quan điểm.
3. Thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, không thể bỏ qua việc đầu tư khai thác các lợi thế vốn có của mỗi tỉnh, thành. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 12/2023, đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.
“Tại Bắc Giang vừa qua có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó là tiềm lực quan trọng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.