Phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Chưa như kỳ vọng
Theo đó đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế... Tại các diễn đàn, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, mặc dù ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn nhưng lại có nhiều dư địa phát triển.
Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối cũng như dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là hướng đi đúng đắn hiện nay, thậm chí dự báo có thể phát triển nhanh hơn trong thời gian tới khi Việt Nam đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, tầng lớp trung lưu gia tăng, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch. Tuy nhiên, tại một số nơi tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết. Về cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập, hạn chế.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã cùng với các địa phương triển khai chiến lược này, bước đầu mang lại những hiệu quả. Theo thống kê, ngành văn hóa đóng góp khoảng 3,61% tổng số GDP trong cả nước trong giai đoạn 2018-2020. Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ VH-TT&DL cần sớm trình Chính phủ ban hành chiến lược mới với mục tiêu tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng bền vững, trong đó đặt công nghiệp văn hóa là một trong các điểm nhấn.
Cầu Vàng là một điểm nhấn du lịch của Đà Nẵng |
Nhiều dư địa để phát triển
Có thể nói, các địa phương của Việt Nam đều là những vùng đất giàu tài nguyên văn hóa. Mỗi vùng miền đều có những bản sắc, câu chuyện lịch sử riêng. Vấn đề là làm thế nào để biến những tài sản văn hóa đó thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đem lại giá trị kinh tế. Điều này đòi hỏi từng địa phương cần chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến văn hóa sáng tạo, để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển của mình. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội tham gia quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhận thức của cả hệ thống chính trị về công nghiệp văn hóa, về nguồn lực, thế mạnh của mình là gì. Đặc biệt, phải có quyết tâm đầu tư xứng đáng, không chỉ về nguồn lực vật chất mà còn là đầu tư về con người, về cơ chế chính sách để khai thác công nghiệp văn hóa hiệu quả.
Đơn cử như tỉnh Thừa Thiên Huế có quần thể di tích rất phong phú nên du lịch văn hóa chắc chắn phải là thế mạnh và xưa nay cũng đã khai thác tương đối tốt. Tuy nhiên, không thể dừng lại ở đó, mà Huế hoàn toàn có thể trở thành một phim trường trong nước và quốc tế, công nghiệp điện ảnh có thể đem lại cho Huế rất nhiều lợi ích từ việc khai thác các giá trị văn hóa di tích này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng chia sẻ, du lịch văn hóa được xem là một trong các loại hình hết sức quan trọng, có khả năng tạo ra sự khác biệt, đồng thời là yếu tố quyết định sức hút trong phát triển du lịch. Đà Nẵng và một số địa phương khác ở miền Trung, từ nhiều năm nay đã thống nhất xây dựng thương hiệu chung “Miền di sản diệu kỳ”, với mục đích phát huy các nhóm sản phẩm như “Hành trình di sản” hay “Con đường di sản miền Trung”… Đây là các sản phẩm du lịch phát huy được các yếu tố văn hóa vùng miền rất rõ nhằm tạo sự khác biệt không chỉ với khách quốc tế, mà ngay cả với khách du lịch trong nước.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành công nghiệp văn hóa cũng cần được đánh giá đúng mức về khả năng tạo ra đột phá trong dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Cần phải dành sự đầu tư đúng mức hơn để đánh giá sâu, rõ hơn trong lĩnh vực văn hóa, di sản; tạo các điểm nhấn riêng, lĩnh vực thế mạnh để lan tỏa và thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Cũng theo Bộ trưởng, các địa phương cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp văn hóa và lĩnh vực du lịch với cách tiếp cận công nghiệp văn hóa là động lực để phát triển du lịch; du lịch văn hóa là một bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ngược lại, du lịch là cơ sở để thúc đẩy công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa - nguồn tư liệu của ngành công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, các địa phương cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.