Mòn mỏi chờ chi phí được kéo giảm
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại TP.HCM, hiện tại chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Theo số liệu năm 2020 từ Ngân hàng thế giới (WB), chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP. Trong khi đó, tại Thái Lan chỉ là 19%, Malaysia 13%, Singapore 8% và Mỹ 7,7%... Chi phí logistics tăng cao đã làm giảm lợi nhuận, đội giá thành hàng hóa của Việt Nam lên, mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Vì vậy, việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến chi phí logistics cao là do thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15,3%/năm, nhưng đến nay các hãng hàng không vẫn chỉ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác, chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia đến Việt Nam. Do số lượng chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí có thời điểm, thị trường giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch bệnh. Trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Hoa Kỳ là khoảng 1-1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17-18 USD/kg.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa hiện nay cao hơn gấp 10 lần so với trước. Mức chi phí quá cao khiến doanh nghiệp “gồng gánh” không nổi. Trong khi đó, chi phí logistics chiếm tới 20-25%/tổng chi phí cấu thành, nên “bào mòn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong hơn 2 năm qua, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam khiến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng đứt gãy, trong khi nguyên vật liệu nhập khẩu khan hiếm, tăng giá. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng cao, làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo thông tin từ các hiệp hội doanh nghiệp và các hãng vận tải biển, hàng không, hiện chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không của doanh nghiệp đều tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch. Nếu như trước khi xảy ra dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000-3.000 USD/container thì sau đó tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại là 14.000-15.000 USD/container 40 feet.
“Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời sớm hồi phục, đủ sức cạnh tranh chinh phục thị trường thế giới khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, cần sớm triển khai các giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ, hiện đại hóa năng lực ngành hải quan giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu” – chuyên gia nêu quan điểm.
Đến cuối năm 2021 đã có 44 ngân hàng triển khai phối hợp thu, trong đó có 38 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 99,8% trên tổng số thu. Qua đó đã giúp bãi bỏ một số thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm giờ công, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. |
Vừa qua, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong đó đáng lưu ý là Quyết định 2318, ban hành “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”, giúp giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan cũng như giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan, để thông quan một lô hàng thì liên quan đến nhiều đơn vị, nên muốn cắt giảm chi phí, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp phải có sự chung sức của tất cả các cơ quan liên quan; cùng thực hiện cải cách thủ tục hành chính sao cho đồng bộ, giảm tải văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành chồng chéo…
“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu của các bộ, ngành rất lớn với trên 50 luật, trên 200 nghị định và thông tư đòi hỏi sự chuẩn hóa từ phía hải quan cũng như từ phía doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Nếu doanh nghiệp không nắm rõ, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ chế xác định trước hàng hóa, mã số, định giá hàng hóa trước khi làm thủ tục, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu” – ông Tám khuyến cáo.