Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững
Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, nhưng Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tinh thần Hội nghị, các chủ thể phải thực hiện ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản hiện nay. Thứ nhất, cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp. Thứ hai, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người. Thứ ba, phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan còn chậm. Thứ tư, những vướng mắc về pháp lý chậm được xử lý. Thứ năm, nguồn vốn còn khó khăn. Thứ sáu, quy hoạch các dự án, điều chỉnh cơ cấu các dự án còn chậm. Thứ bảy, cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm. Thứ tám, các doanh nghiệp chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các chủ thể liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên đã có đầy đủ trong các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tài liệu, báo cáo của Hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Các cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.
Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra (do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả…). Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.
Các tổ chức tài chính cần khơi thông dòng vốn.
Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương.
Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp, góp phần để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trước đó, các ý kiến tại hội nghị tập trung nêu nhiều khó khăn, vướng mắc với thị trường bất động sản hiện nay và nguyên nhân; đồng thời tập trung bàn và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, các vướng mắc với thị trường hiện nay chủ yếu liên quan đến pháp luật về đất đai; thủ tục hành chính để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; khó khăn trong tiếp cận vốn; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành; tâm lý các nhà đầu tư…
Để giải quyết các vấn đề này, tại Hội nghị đại diện Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sớm sửa đổi quy định pháp luật để khơi thông nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp...
Mong được hỗ trợ về cơ chế
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) cho rằng, sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ giúp tháo gỡ tận gốc vấn đề pháp lý cho các dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách.
Vị này cho biết trong giai đoạn hiện nay, điều doanh nghiệp mong muốn là được hỗ trợ về cơ chế. Cụ thể, Novaland kiến nghị ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết...
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, 2 vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay pháp lý (chiếm đến 70% khó khăn) và tiếp cận nguồn vốn, do đó cần tập trung tháo gỡ những khó khăn này. Trong đó về tín dụng, ông Châu kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST cho biết, GP.INVEST đang mở rộng hoạt động sang các địa bàn ngoài Hà Nội, cụ thể đang triển khai dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ giai đoạn 1 là 28ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ đồng. Mặc dù đây là dự án được tỉnh Phú Thọ xếp vào dự án trọng đểm nhưng vướng mắc do cơ chế đền bù quy định ở giai đoạn trước khi có Luật Đất đai 2013. Đây là khó khăn kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư. Ông mong Thủ tướng và Tổ công tác của Chính phủ có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp để dự án có thể triển khai dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST phát biểu tại Hội nghị. |
Ngoài dự án Palm Manor ở Việt Trì, hiện doanh nghiệp này đang chuẩn bị một loạt dự án khác với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến phải vay tín dụng khoảng 8.000 tỷ đồng.
"Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác", ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất.
Không hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2022, Vietcombank có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào bất động sản phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, bất động sản để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng. Tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị. |
Với số liệu về tăng trưởng tín dụng bất động sản trong năm qua, có thể khẳng định về phía Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Để giải quyết nhu cầu vay vốn mua nhà để ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước khác triển khai Gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng "bất thường" bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng" và có nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Về mặt quan điểm, Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu mà chúng ta dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội). Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính cần tiến tới minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội nghị. |
Trên cơ sở đó, chuyên gia này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết dứt điểm những vụ việc vừa qua để bảo đảm lấy niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Đồng thời, sớm sửa đổi các nghị định, thông tư trong thẩm quyền, đặc biệt là liên quan đến chuyển nhượng dự án, xác định tiền thuê đất, định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội… Sớm phân loại, phân khúc bất động sản theo 5 phân nhóm khác nhau để NHNN, Bộ Tài chính có cơ sở áp dụng hệ số rủi ro. Cân nhắc cho phép cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ với thời hạn, đối tượng phù hợp.