PPP vẫn là nguồn vốn không thể thiếu để phát triển cơ sở hạ tầng
Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đầu tư theo phương thức PPP | |
Tìm phương thức hợp tác công tư hiệu quả | |
Hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP |
Vấn đề này được thảo luận tại hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công tư”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 7/7.
Vốn cho hạ tầng thiếu hụt lớn
Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trọng tài viên VIAC cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc là hơn 9.000 km và mạng lưới quốc lộ khoảng gần 29.800 km. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành khoảng 1.800 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000 km; giai đoạn 2026-2030 phải hoàn thành khoảng 2.000 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000 km.
Các dự án quan trọng tại TP. Hồ Chí Minh đang chậm trễ do thiếu vốn |
Để thực hiện khối lượng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính toán nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 390.000 tỷ đồng, song hiện mới chỉ cân đối được 250.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; phần còn lại sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công và vốn ngoài ngân sách.
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng của khu vực này là khoảng 198.823 tỷ đồng, với 37 dự án mới và 14 dự án chuyển tiếp. Do nguồn vốn này vượt khả năng cân đối nên Bộ đang đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm tại khu vực. “Vậy số vốn còn lại lấy từ đâu nếu không từ khu vực tư nhân?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
TP. Hồ Chí Minh là trường hợp điển hình của câu chuyện khát vốn. Ngoài dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 đang được triển khai gấp rút cùng với một số địa phương khác để hoàn thiện kết nối trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, thì TP. Hồ Chí Minh còn có 5 tuyến đường trên cao (tổng chiều dài hơn 70 km), 4 dự án metro (tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD) chưa được đầu tư và đang đề xuất các phương án huy động vốn, vì chỉ trông chờ vào ngân sách trung ương cũng như địa phương là không thể đủ.
Quy định cụ thể hay để nhà đầu tư tự thương lượng?
Các chuyên gia đánh giá, PPP là phương thức huy động vốn hiệu quả, thậm chí là không thể thiếu, trước bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam quá lớn trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế. Tuy nhiên việc PPP chững lại trong thời gian qua cũng cho thấy chính sách này chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trương Trọng Nghĩa lý giải, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển CSHT chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trong đó có PPP. Các địa phương thường có tình trạng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội rồi mới xem vốn đầu tư là bao nhiêu và sau đó kêu gọi PPP. Điều đó khiến cho các kế hoạch thu hút PPP vừa phụ thuộc nhưng cũng vừa tách rời với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do đó cũng khó thu hút nhà đầu tư tư nhân. “Đến nay chúng ta hầu như chưa có chiến lược trung và dài hạn cho PPP. Chỉ có một số thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh có kế hoạch xây dựng PPP để phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch cũng chưa cao”, ông Nghĩa nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, dù đã có luật điều chỉnh, song vẫn còn thiếu các quy định hướng dẫn. Đồng thời nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý nợ công… Với các quy định hiện tại thì quy trình, thủ tục dự án PPP thường được triển khai riêng lẻ, chưa đảm bảo hài hòa với quy trình thực hiện dự án PPP. “Theo nguyên tắc thị trường thì “tiền trao, cháo múc”, còn BOT thì cháo đã múc, tiền vốn thì đến 20-30 năm sau mới thu về, sau đó mới là tiền lãi, cho thấy rủi ro của các dự án PPP rất lớn”, một luật sư bình luận.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án PPP tại nước Đức, ông Leif Schneider, Phó Chủ tịch Tiểu bang pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, khác với Việt Nam, tại Đức chưa có luật riêng về PPP và thậm chí còn chưa có định nghĩa cụ thể như thế nào là dự án PPP. Các quy định về PPP của Đức nằm trong Luật Dân sự. Ngoài ra có nhiều điều khoản, quy định khác nhau liên quan tới vấn đề này, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn tối thiểu mà hai bên tham gia dự án cần đạt được, sẽ được quy định trong các luật liên quan đến quy trình đấu thầu của EU. Mặc dù không có luật riêng và cũng không có danh mục cụ thể về các lĩnh vực cho phép thực hiện PPP, song trên thực tế việc thu hút và thực hiện PPP tại Đức vẫn tiến triển tốt, ngay cả trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 tại châu Âu.
“Việc không quy định quá cụ thể sẽ giúp các bên tham gia có nhiều không gian thương lượng và thảo luận các vấn đề trực tiếp. Mặc dù có đôi chỗ hạn chế nhưng tôi cho rằng nên ưu tiên việc tham gia thảo luận và thương lượng trực tiếp giữa các chủ thể. Bên cạnh đó, khi thương lượng trên cơ sở hợp đồng mẫu thì cũng rất khó để nhà đầu từ đảm bảo quyền lợi của mình”, ông Schneider chia sẻ.
TS. Lê Nết, Luật sư thành viên LNT&Partners, Trọng tài VIAC cũng đánh giá rằng việc làm rõ ngay từ đầu các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên là rất quan trọng. Vị này giải thích, theo kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thì có tới 70% trường hợp là do các thỏa thuận không rõ ràng ngay từ đầu, 30% là do chây ỳ. “Trong quá trình thương thảo chúng ta phải làm rõ tất cả các vấn đề. Nhưng mặt khác nếu các vấn đề đã quá rõ rồi thì còn cần đấu thầu để làm gì và nếu đã quá rõ rồi thì có khi nhà đầu tư lại không làm nữa vì không có lời”, ông Lê Nết bình luận thêm. Vì vậy vị này khuyến nghị khi thương thảo hợp đồng, các bên cần có đơn vị tư vấn để làm rõ các vấn đề cần làm rõ và tránh các trường hợp khúc mắc, tranh chấp về sau.