Quà tặng du lịch: Không phải “chuyện nhỏ”
Nhiều làng nghề, ít sản phẩm phù hợp
Đơn điệu và nghèo nàn là ấn tượng về quà tặng tại các địa điểm du lịch của Hà Nội. Quả vậy, khảo sát tại các điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi tới Thủ đô Hà Nội, có thể nhận ra một thực tế: Quá ít sản phẩm quà tặng được đầu tư để phục vụ du khách nước ngoài. Tại các điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc… đều có bán đồ lưu niệm, nhưng còn đơn điệu và thiếu sự độc đáo. Nếu để ý kỹ, sẽ thấy tại Văn Miếu, nhiều du khách thích thú khi tiếp cận những bức tranh miêu tả Khuê Văn Các được làm bằng những hạt gạo. Còn khi đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Tạ Hiện, Hàng Bạc, Nhà Chung… mặc dù mặt hàng quà tặng phục vụ du khách khá đa dạng, nhưng đa phần đều quen thuộc và ít có những món mới…
Trong khi đó, Hà Nội là đất trăm nghề. Vậy câu chuyện làm sao để có nhiều sản phẩm quà tặng du lịch là điều cần đặt ra. Bởi nó không chỉ góp phần quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa Việt Nam, mà còn đem lại những lợi ích kinh tế, tạo sinh kế cho người dân các làng nghề.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhận định, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống, nhưng đáng tiếc là sản phẩm quà tặng của các làng nghề xuất hiện còn rất ít trong các khu, điểm du lịch. Chưa kể đó đều là sản phẩm quen thuộc như: Chuồn chuồn tre Thạch Xá, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Nhiều mẫu mã vẫn theo lối cũ, ít cải tiến, nâng cấp, nên chưa hấp dẫn được du khách. “Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, đồ trang sức, móc khóa, bưu thiếp... với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong hay các hoa văn, họa tiết thổ cẩm. Có vẻ khả dĩ hơn là các sản phẩm gốm, sứ, nhiều du khách dù rất thích vẫn đành “bỏ cuộc” vì kích thước quá lớn và nặng”, ông Thắng thông tin.
Du khách tìm mua sản phẩm quà tặng du lịch tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) |
Họa sĩ - nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát mấy năm nay đã nỗ lực cho ra nhiều mẫu mã quà tặng du lịch độc đáo. Với xưởng sản xuất và không gian trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm và bán sản phẩm tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra hàng trăm mẫu sản phẩm quà tặng độc đáo, khai thác vật liệu bản địa như gỗ mít, đá ong, sơn mài… Các mẫu quà tặng của anh được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đồng thời được mời tham gia các hội chợ, lễ hội du lịch… Nhiều tác phẩm của anh được trao giải thưởng tại các cuộc thi. Thừa nhận những mẫu mã quà tặng cho du lịch Hà Nội đến nay vẫn còn rất thiếu và yếu, anh Phát cho rằng, ở đây ngoài vai trò của các nghệ nhân, họa sĩ thì cũng cần có sự định hướng của các chuyên gia, thậm chí của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
“Các mẫu mã quà tặng du lịch, ngoài tính đặc trưng vùng miền, ví dụ nhận diện qua các di sản như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, chùa Một Cột…; thì thiết kế cũng cần thay đổi theo xu hướng thời cuộc. Tôi lấy ví dụ, thời trước, cũng là những di sản này nhưng thiết kế theo lối nệ thực hơn; nhưng ngày nay, khi đời sống hiện đại hơn thì thiết kế cũng phải đa dạng để khi du khách mua về hoặc tặng bạn bè thì mọi người cũng có thể bày biện phù hợp với không gian nội thất của mình”, nghệ nhân Tấn Phát bày tỏ, đồng thời cho rằng, cần chú ý tới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Ví như vòng đời một sản phẩm quà tặng có thể kéo dài 3-5 năm, nhưng mẫu mã thì cần thay đổi nhanh hơn, rút ngắn để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn du khách mua sắm. Thậm chí, một sản phẩm nhưng cũng có thể có những loại bao gói khác nhau phục vụ những đối tượng du khách khác nhau. Ngoài ra, để sản phẩm quà tặng tại các làng nghề và cơ sở sản xuất tư nhân đến tay du khách nhiều hơn, thì khâu quảng bá và sự kết nối với các điểm du lịch cũng cần thúc đẩy, kết nối một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Phát triển ngành công nghiệp quà tặng
Theo ông Trương Quốc Toàn - Giám đốc Công ty TNHH quà tặng Quốc Ngọc, Hà Nội là địa phương có tiềm năng về phát triển quà tặng lưu niệm. Đơn vị đã làm thiết kế nhiều mẫu quà tặng, quà lưu niệm cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội theo “đề bài” mà các đơn vị đó đặt ra. Kinh nghiệm cho thấy, các sản phẩm này cần đảm bảo nhiều yếu tố như nhỏ gọn, tinh xảo, chất lượng tốt và đạt tối đa về công năng. Những sản phẩm ấn tượng sẽ mang thông điệp văn hóa giúp quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cũng theo ông Toàn, vấn đề sở hữu trí tuệ trong các thiết kế quà tặng du lịch hiện chưa được coi trọng. Nhiều mẫu sản phẩm dễ bị làm nhái nên không giữ được bản quyền và chưa tạo kích thích sáng tạo. Bên cạnh đó, sự liên kết với các nhà sáng tạo mẫu thiết kế cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Từ thực tế này, có thể thấy, đã tới lúc cần xác định phát triển ngành công nghiệp quà tặng du lịch để vừa quảng bá văn hóa, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho các làng nghề truyền thống.
Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng nhất cho ngành quà tặng du lịch là xây dựng sản phẩm mang theo thông điệp, câu chuyện văn hóa và mở rộng kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm đó tới du khách. Đa số ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, phải hiểu từng đối tượng du khách để thiết kế những loại quà tặng phù hợp. Tuy vậy, có một điểm chung là du khách đều muốn nghe những câu chuyện gắn với sản phẩm hoặc từng điểm đến. Nếu các điểm du lịch xây dựng được một câu chuyện văn hóa, dẫn dắt du khách tìm hiểu về sản phẩm thì cuối cùng khi đến cửa hàng, họ sẽ có xu hướng chọn mua một món quà lưu niệm mà họ đã hiểu được ý nghĩa và giá trị của chúng.
Đặc biệt, với các điểm đến tại Thủ đô Hà Nội thì không chỉ du khách nước ngoài mà cả du khách trong nước cũng đều muốn mua những món quà tặng gắn với mỗi điểm đến và có những câu chuyện đi cùng. Thực tế cho thấy, nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách rất lớn, nhưng các làng nghề chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), muốn phát triển lĩnh vực quà tặng du lịch thì phải xác định được sản phẩm nào bán cho ai, vì đối tượng khác nhau thì mẫu mã, thiết kế sẽ khác nhau. "Hà Nội phải có chiến lược rõ ràng về sản phẩm, cũng như kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Tốt nhất là sản phẩm quà tặng phải mang thông điệp của Hà Nội. Sau đó, xây dựng kênh bán trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, bán ngay tại làng nghề hoặc bán tại sân bay, trên máy bay. Kênh trực tuyến là xây dựng một sàn thương mại điện tử cho riêng quà tặng du lịch, giới thiệu để khách tìm hiểu, ngắm nghía trước sản phẩm và khi họ đến Hà Nội chỉ việc nhận hàng hoặc đến thẳng nơi bán", ông Ngọc cho biết