Quảng Ngãi kiến nghị thanh tra toàn diện Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất
Người dân ngăn cản, không cho phương tiện chuyên chở vật tư, vật liệu ra vào Nhà máy. |
Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất nằm tại Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 (Quy hoạch Phân khu) tại Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 21/1/2013 với chức năng sử dụng đất: Đất công nghiệp vật liệu xây dựng.
Được triển khai xây dựng từ năm 2009, đến tháng 6/2012 Nhà máy chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhưng kể từ tháng 5/2015 đến nay, Nhà máy đã phải ngừng hoạt động vì người dân ngăn cản, không cho phương tiện chuyên chở vật tư, vật liệu ra vào.
Lãnh đạo địa phương cho biết khi Nhà máy đi vào hoạt động, Tập đoàn Sembcorp của Singapore cũng bắt đầu triển khai dự án Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất ngay cạnh đó. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, nhà máy Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất đã dừng triển khai.
Người dân tại khu vực, hiện còn khoảng 2.000 hộ, trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời, bỗng nhiên bị hủy bỏ, phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn… từ Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, dẫn tới hành động ngăn cản như nêu trên.
Liên quan đến việc xử lý đối với trường hợp Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, ngày 4/3/2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 76/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình “di dời hoặc chấm dứt hoạt động của Nhà máy” và “giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính bồi thường hỗ trợ đối với Công ty”…
Vẫn bế tắc về giải pháp
Trong một diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Nhà máy xi măng Đại Việt-Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), nêu rõ, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã tiến hành khảo sát vị trí khác phù hợp tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn và giới thiệu cho Công ty cổ phần Xi măng miền Trung (Công ty) để xem xét di dời Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất đến.
Đồng thời, địa phương cũng đã 2 lần tổ chức họp có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, địa phương có liên quan và đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Tổng công ty), Công ty vào các ngày 23/4/2020 và 24/7/2020 để bàn, thống nhất biện pháp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 76/TB-VPCP.
Nhưng đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, vì theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nêu rõ là di dời hoặc chấm dứt hoạt động Nhà máy chứ không đặt vấn đề di dời dân.
Hiện nay, nội dung các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng nhất quán là thực hiện theo đúng nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Ý kiến của các sở, ngành, địa phương tại các cuộc họp cũng yêu cầu Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Công ty cổ phần Xi măng miền Trung phải có ý kiến chính thức về việc lựa chọn phương án di dời hay là chấm dứt hoạt động của Nhà máy, không có căn cứ đề xuất phương án khác với 2 phương án trên.
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện doanh nghiệp tại 2 cuộc họp nêu trên và nội dung báo cáo số 27/BC-XMMT ngày 16/6/2020 và báo cáo số 39/BC-XMMT ngày 31/7/2020 của Công ty cổ phần Xi măng miền Trung; công văn số 1573/VICEM-HĐTV ngày 13/7/2020 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam đều thể hiện muốn di dời dân ra khỏi Khu công nghiệp đến nơi ở mới và tạo điều kiện cho Nhà máy sớm hoạt động trở lại tại vị trí hiện nay.
Tổng công ty và Công ty cho rằng vị trí Nhà máy thuộc quy hoạch khu công nghiệp được duyệt theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ thì trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống.
Trường hợp điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp thành khu dân cư và yêu cầu các nhà máy trong khu phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động, Tổng công ty đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể với từng trường hợp (di dời hoặc chấm dứt hoạt động) để doanh nghiệp có cơ sở để lựa chọn phương án di dời hoặc chấm dứt hoạt động Nhà máy, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng ý chí của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Công ty cổ phần Xi măng miền Trung thể hiện tại các văn bản nêu trên không đúng theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại thông báo số 76/TB-VPCP ngày 4/3/2020 là “di dời hoặc chấm dứt hoạt động của Nhà máy” và “giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính bồi thường hỗ trợ đối với Công ty”.
Tổng công ty, Công ty cũng không đưa ra kế hoạch di dời Nhà máy, dự kiến chi phí di dời, nguồn kinh phí thực hiện và đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ cụ thể là gì. Do vậy, chưa có cơ sở để UBND tỉnh Quảng Ngãi thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 4/3/2020.
Kiến nghị thanh tra toàn diện nếu cần
Hiện nay, do Nhà máy không hoạt động nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương cơ bản ổn định, không có phức tạp. Tuy nhiên, dự báo nếu Nhà máy này hoạt động trở lại thì sẽ có nhiều yếu tố phức tạp an ninh trật tự.
UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Xây dựng, yêu cầu Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Công ty cổ phần Xi măng miền Trung lựa chọn 1 trong 2 trường hợp là di dời hay chấm dứt hoạt động của Nhà máy này.
Trường hợp phải di dời thì xây dựng kế hoạch di dời Nhà máy, dự kiến chi phí di dời, nguồn kinh phí thực hiện để làm cơ sở chính quyền địa phương xem xét đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Trường hợp chấm dứt hoạt động thì cũng phải xây dựng phương án cụ thể, nêu rõ các thiệt hại phát sinh khi chấm dứt để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
Kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét tính cần thiết để giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện dự án này cũng như việc mua bán, chuyển nhượng dự án trước đây nhằm xác định chính xác chi phí đầu tư dự án, làm cơ sở xác định thiệt hại do di dời, đóng cửa Nhà máy.