Quảng Ngãi tăng cường bình ổn thị trường dịp cuối năm
Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. |
Thông thường, Tết Nguyên đán là mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm. Bởi vậy, hiện tượng mua bán, sản xuất kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra khó kiểm soát, nhất là các mặt hàng phục vụ tiêu dùng diễn biến khá phức tạp...
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mới đây ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản số 5954/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố… tăng cường quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát; đồng thời, triển khai quyết liệt các giải đảm bảo nguồn cung để giữ ổn định giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Công Thương, tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường, thực hiện các giải pháp cân đối cung, cầu nhằm điều tiết giá cả, bình ổn thị trường; tránh tình trạng gây khan hiếm giả tạo, đầu cơ, tăng giá, sốt ảo gây bất ổn thị trường. Chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp có chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; theo dõi diễn biến giá điện, xăng dầu trên địa bàn tỉnh kịp thời đề xuất các biện pháp ổn định giá khi có biến động lớn về giá đối với các mặt hàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính thường xuyên nắm bắt, cập nhật diễn biến giá cả thị trường, kịp thời phối hợp với Sở Công thương triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp theo quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý đối với những biến động bất thường của giá cả hàng hóa.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để cập nhập, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng; kịp thời công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng theo quy định phù hợp với mặt bằng thị trường (đặc biệt đối với cát làm vật liệu san nền và cát xây dựng), tránh tác động của các hiện tượng đầu cơ, nâng giá; không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm và các công trình khác trên địa bàn tỉnh
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung, cầu các lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Sở Y tế tăng cường kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế thiết yếu trên địa bàn, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý, minh bạch trong quản lý điều hành giá; theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng thuốc với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh...